Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Phú Thọ: Đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn tín dụng hỗ trợ tạo việc làm

Thực hiện tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã kịp thời giải ngân giúp hàng nghìn người dân, doanh nghiệp được vay vốn, tạo thêm động lực tài chính để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, kinh tế của người dân và nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ rơi vào tình cảnh khó khăn do thiếu vốn đầu tư, tái sản xuất...

Để người dân và doanh nghiệp sớm phục hồi và tăng trưởng trở lại, ngay từ đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP; trong đó, chương trình đã xác định các nhiệm vụ, giải pháp, phương án huy động và bố trí nguồn lực thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể. Trên tinh thần đó, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã triển khai các bước hướng dẫn, thực hiện kịp thời việc giải ngân vốn đúng đối tượng; bảo đảm công khai, minh bạch để người nghèo và các đối tượng chính sách vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống.

Anh Trần Bá Đức, xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa cho biết, thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn của xã, anh Đức được vay 50 triệu đồng từ chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết 11/NQ-CP với lãi suất ưu đãi 7,92%/năm, để ổn định hoạt động và mở rộng quy mô trại.“Theo dự định gia đình tôi trồng 6ha keo và mở rộng khu chăn nuôi, nhưng do thiếu vốn nên mới chỉ trồng được 5ha và đầu tư xây dựng 2 dãy nhà chăn nuôi lợn, gà. Nay được vay 50 triệu đồng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ gia đình có cơ hội đầu tư trồng 1 ha keo còn lại trong tổng số 8 ha đất trang trại của gia đình và đầu tư thêm lợn giống…” anh Đức chia sẻ.

Trước đây anh Nguyễn Công Ninh ở xã Ca Đình, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ làm nghề tự do, ai thuê gì làm nấy, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thu nhập của gia đình anh trở nên bấp bênh, anh quyết định làm đơn xin vay ưu đãi từ chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ. Anh  Ninh cho biết, gia đình anh có một số diện tích đất chưa canh tác, được ngân hàng cho vay 70 triêu anh sẽ sử dụng số tiền này để mua 5000 cây keo về trồng.

Người dân làm thủ tục vay vốn để mở rộng sản xuất

Người dân làm thủ tục vay vốn để mở rộng sản xuất

Xã Ca Đình có hơn 80% hộ dân làm nông nghiệp và hơn 80% diện tích đất là đồi rừng, nhờ nguồn vốn chính sách, nhiều người dân nơi đây đã chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, mở rộng sản xuất. Điển hình như bà Nguyễn Thị Mười, nhờ nguồn vốn vay, gia đình bà mở rộng diện tích trồng cây keo, mỗi vụ rừng keo mang về cho gia đình bà hàng trăm triệu đồng, không chỉ tạo công ăn việc làm cho gia đình bà ma còn tạo việc làm cho hơn chục người lao động tại địa phương. Bà Mười cho biết, trước kia, gia đình bà đất thì có nhiều nhưng chưa được tiếp cận được nguồn vốn nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng không chỉ giúp bà phát triển kinh tế cho gia đình mà còn giúp bà con thôn xóm có công ăn việc làm.

Nguồn vốn hỗ trợ tạo việc làm theo Nghị quyết 11 thời gian qua là sự tiếp sức kịp thời cho người dân, tạo việc làm đầu tư sản xuất,  giúp họ ổn định cuộc sống sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong thời gian qua, NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể để nguồn vốn vay đến đúng đối tượng thụ hưởng, đúng người có nhu cầu vay, đồng thời người vay sử dụng vốn đúng mục đích và phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Xác định nguồn vốn tín dụng là “trợ lực” để khôi phục và phát triển nền kinh tế sau dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Thọ đã phối hợp với các địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát nhu cầu vay vốn của các hộ dân, doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mới. Từ đó, bảo đảm chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát thường xuyên tình hình sử dụng vốn vay của các đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, đổi mới quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục, nâng cao khả năng thẩm định, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng.