Nhiều người dân mắc bệnh về da do nguồn nước bị ô nhiễm
Nhận được phản ánh của nhân dân khu 8, chúng tôi có mặt tại xã Phượng Lâu để tìm hiểu thực tế. Theo chân của hơn chục người dân khu 8, chúng tôi men theo đường mương xả nước thải được nối từ Công ty TNHH nhà nước một thành viên xử lý và chế biến chất thải Phú Thọ - Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì, trụ sở tại khu 6, phường Vân Phú, TP Việt Trì (Phú Thọ). Theo quan sát, dọc con mương xả thải này chứa đầy nước và bùn màu đen đặc, mùi hôi thối không ngừng bốc lên. Để chứng minh độ ô nhiễm từ nước thải của con mương này, một số người dân đã dùng que, dùng cào móc sâu từ dưới lên đầy rác, bùn đen và cá chết.
Ở cuối điểm xả thải của mương nước, có rất nhiều xác cá chết nổi lềnh bềnh, toàn bộ khu vực cánh đồng gần như bỏ hoang vì đất và nước nơi đây bị ô nhiễm khiến nhân dân không thể canh tác hoa màu, gây thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Không những thiệt hại về kinh tế mà sức khỏe của người dân còn bị đe dọa bởi vô số loại bệnh như ghẻ, viêm da, ho mãn tính, tức ngực, khó thở, đau đầu.
Một cụ cao niên ở khu 8 bức xúc: “Tôi già thì chết không sao, nhưng những đứa trẻ này còn nhỏ, phải được sống sạch sẽ để phát triển, họ xả thải gây ô nhiễm, con cháu chúng tôi thường bị lở loét, vòng bạc chúng đeo vào hút độc đen sì, các bệnh về hô hấp có nguy cơ bùng phát”.
Theo những người dân khu 8 cho biết, Nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì đã thành lập được hơn 10 năm, trước khi hoạt động, họ viết cam kết sẽ xử lý và xả thải ra môi trường nước không màu, không mùi, nhưng 3 năm trở lại đây, nhà máy liên tục xả ra nước đen ngòm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu khẳng định: “Từ năm 2013 – 2015, nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì đã cho xả thải ra nước có màu đen, có mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường. Người dân khu 8 đã có nhiều lần kiến nghị lên ủy ban, chúng tôi đã tiếp thu, xử lý và báo cáo lên các cấp tuy nhiên vẫn chưa có hướng giải quyết triệt để. Đến vụ chiêm xuân năm 2015, do không thể canh tác nên người dân tiếp tục có ý kiến, chúng tôi đã làm việc với người dân, làm việc với nhà máy và lên phương án bồi thường thiệt hại”.
Các văn bản, giấy tờ làm việc giữa chính quyền, nhà máy với người dân
Nói về vấn đề này, ông Bùi Văn Thược – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc nhà máy phế thải đô thị Việt Trì trần tình: “Nhà máy nào cũng thế, khu công nghiệp nào cũng thế việc ảnh hưởng đến môi trường là không hề tránh khỏi. Chúng tôi chuyên xử lý rác thải nên việc có mùi hôi là lẽ đương nhiên. Nhà máy thành lập được gần 20 năm, trước đây là khu vắng dân cư chứ không đông như bây giờ, lượng rác cũng chưa lớn như hiện tại nên việc xử lý rác dễ dàng hơn.
Việc có nước đen chảy ra môi trường là do nhà máy chúng tôi nằm ở vùng trũng, bốn bề là núi rừng nên mỗi lúc trời mưa to, lượng nước đổ về nơi tập kết rác, kênh thoát nước quá tải dẫn đến có nước đen tràn ra ngoài mà chúng tôi không thể ngăn cản được. Còn bình thường chúng tôi cho nước thải vào bể lắng, xử lý để hết màu đen, hết mùi rồi mới cho xả thải. Chúng tôi không phủ nhận trách nhiệm, đã gây thiệt hại thì phải đền bù, và chúng tôi đền bù theo nguyên tắc 100% thiệt hại.
Về việc cá chết, chúng tôi đã đền bù xong cho dân, về diện tích lúa không canh tác được, chúng tôi đang phối hợp với xã thống nhất với bà con phương án đền bù. Mong bà con chia sẻ khó khăn với nhà máy, vì vốn ít mà việc xây dựng thêm bể chứa chất thải gặp nhiều khó khăn, lượng rác thì ngày càng lớn, chúng tôi sẽ hạn chế đến mức thấp nhất có thể để trong tương lai không còn ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân”.
Một số hình ảnh PV ghi lại được:
Người dân trình bày sự việc với PV
Cống dẫn nước xả thải của nhà máy chế biến phế thải đô thị Việt Trì có nước đen, bốc mùi hôi
Cuối nguồn của mương xả thải
Đồng ruộng bị bỏ hoang do không thể canh tác
Mẫu nước trước và sau xử lý tại bể lọc của nhà máy