Theo đó 34 bị cáo bị xét xử về các tội “Hủy hoại rừng”, “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”, “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ” tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, là vụ phá rừng có tổ chức, quy mô lớn, giúp sức của nhiều cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo cáo trạng của vụ án, trong khoảng từ tháng 2 đến tháng 4/2020, Nguyễn Hoài Linh cùng với Trần Văn Tấn thuê Trương Thái Vương sử dụng xe múc phá rừng mở đường, san lấp hoàn toàn 2.070m2 đất rừng tự nhiên, chức năng rừng sản xuất tại khoảnh 7, 10 tiểu khu 358 do UBND xã Sơn Thành Tây (huyện Tây Hòa) quản lý và 2.100m2 đất rừng tự nhiên, chức năng rừng phòng hộ tại khoảnh 2 tiểu khu 312 do BQL Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh quản lý. Sau đó các đối tượng này thuê thêm nhiều người khai thác trái phép 187,948m3 gỗ từ nhóm III đến nhóm VIII, gỗ thông thường rồi vận chuyển đi tiêu thụ, thu lợi bất chính.
Trong thời gian trên, Dương Tấn Định - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tây Hòa, Phạm Văn Tâm - cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Sơn Thành Tây đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao; Trịnh Lâm Hải - Chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, Trần Đức Hòa - Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thành Tây, Huỳnh Kim Trúc - Cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Sơn Thành Tây, Trương Minh Hoàng - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tây Hòa đã không thực hiện đầy đủ, đúng nhiệm vụ được giao trong công tác bảo vệ rừng để cho các đối tượng phá rừng mở đường, khai thác gỗ trái phép tại khu vực thuộc trách nhiệm do mình quản lý.
Phạm Đình Phúc - Phó giám đốc BQL Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh; Cao Tấn Khôi, Nguyễn Văn Thuận, Nguyễn Hữu Toàn - cùng là Nhân viên quản lý bảo vệ rừng Buôn Thung thuộc BQL Rừng phòng hộ huyện Sông Hinh đã không thực hiện đầy đủ và đúng nhiệm vụ được giao trong công tác bảo vệ rừng để cho Nguyễn Hoài Linh, Trần Văn Tấn cùng các đồng phạm phá rừng mở đường, khai thác gỗ trái phép tại khu vực khoảnh 2, Tiểu khu 312 thuộc trách nhiệm do mình quản lý…
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt 34 bị cáo với mức án cao nhất là 9 năm tù và thấp nhất là 6 tháng tù (cho hưởng án treo). Bị cáo Nguyễn Hoài Linh (đối tượng đóng vai trò cầm đầu việc phá rừng) bị phạt 7 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” và 2 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”, tổng hình phạt là 9 năm tù.
Có 23 bị cáo bị phạt tù về tội "Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” gồm Nguyễn Rạng (6 năm 6 tháng tù), Trần Quang Hưng (5 năm 9 tháng tù), Trương Thái Vương (5 năm 3 tháng tù), Trần Văn Tấn (5 năm tù), Nguyễn Hoài Hiếu (4 năm tù).
Các bị cáo Trần Thanh Trải, Trần Văn Tài, Phan Văn Mạnh, Nguyễn Xuân Định cùng chịu mức án 3 năm 9 tháng tù. Cùng chịu hình phạt 3 năm 6 tháng tù gồm bị cáo Nguyễn Thái Trực, Phạm Văn Thảo, Nguyễn Hữu Trí, Đoàn Minh Sơn, Trần Văn Hào, Đoàn Minh Sa.
Bị cáo Châu Thị Tuyết Trinh (3 năm tù), Trần Văn Lửng (2 năm tù); Huỳnh Công Lạo, Nguyễn Viết Hùng (1 năm 6 tháng tù), Đặng Trung Thành (1 năm 3 tháng); Đặng Thanh Hùng, Lê Hồng Thanh (1 năm tù) và Nguyễn Tấn Tý (9 tháng tù).
Các bị cáo Dương Tấn Định (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tây Hòa) và Phạm Văn Tâm (cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Sơn Thành Tây) cùng bị phạt 2 năm 3 tháng tù về tội “Lợi dụng chức vụ trong khi thi hành công vụ”.
Do phạm tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng nên 9 bị cáo bị tuyên phạt tù với các mức án khác nhau gồm Trần Đức Hòa (1 năm 3 tháng tù), Nguyễn Văn Thuận (6 tháng tù); Trương Minh Hoàng (1 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo). Các bị cáo Cao Tấn Khôi, Nguyễn Hữu Toàn, Huỳnh Kim Trúc, Phạm Đình Phúc, Trịnh Lâm Hải, Trần Đức Hòa bị tuyên phạt 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.