Đảm bảo an toàn cho trẻ em
Tháng hành động năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Số trẻ em phải cách ly tại gia đình hoặc ở các địa bàn phải giãn cách xã hội và các cơ sở cách ly tập trung tiếp tục tăng lên, trong đó nhiều em nhỏ phải xa cha mẹ, gia đình, rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh các nguy cơ lây nhiễm bệnh và phải tự lập trong cuộc sống hàng ngày, các em còn có nguy cơ cao bị sang chấn, khủng hoảng tâm lý.
Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19, nhằm hỗ trợ việc chăm sóc trẻ em đang phải cách ly tại gia đình, cơ sở cách ly tại một số địa phương, Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) vừa ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống Covid-19 cho trẻ em và bảo đảm an toàn cho trẻ em trong đại dịch.
Sở LĐ-TB&XH cũng đã đề nghị phòng LĐ-TB&XH các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các hoạt động quan tâm, chăm sóc trẻ em theo hướng dẫn của các cấp. Trong trường hợp đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế, để tổ chức các hoạt động Tháng hành động Vì trẻ em phù hợp và đạt hiệu quả truyền thông, vận động xã hội theo quy định của Luật Trẻ em.
Luật Trẻ em quy định: "Tháng hành động Vì trẻ em được tổ chức vào tháng 6 hàng năm để thúc đẩy phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, vận động cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân thực hiện chính sách, chương trình, kế hoạch, dự án, xây dựng các công trình và vận động nguồn lực cho trẻ em".
Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Toàn tỉnh hiện có hơn 232.000 trẻ em, chiếm hơn 20% dân số. Vấn đề liên quan đến trẻ em trong và sau đại dịch Covid-19 cần được quan tâm và có những giải pháp kịp thời, lâu dài.
Trong Tháng hành động vì trẻ em, các địa phương đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em và các chương trình, kế hoạch về trẻ em giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến 2030. Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và hệ thống Tổng đài số 0257 3890000 cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em của Trung tâm Công tác xã hội Phú Yên… nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể, xã hội về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
Tăng cường công tác truyền thông
Theo kế hoạch hoạt động công tác trẻ em năm 2021 của Sở LĐ-TB&XH, nhân Tháng hành động Vì trẻ em sẽ truyền thông vận động xã hội: Tăng cường truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng thực hiện quyền, bổn phận của trẻ em, đặc biệt về chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em; bảo vệ trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, bóc lột trẻ em; phòng ngừa tai nạn, thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; tăng cường truyền thông, thực hiện biện pháp phòng ngừa, ứng phó để bảo vệ trẻ em kịp thời trong bối cảnh đại dịch Covid-19 luôn có nguy cơ bùng phát; đăng tải các khẩu hiệu, thông điệp của Tháng hành động Vì trẻ em. Đồng thời, tập trung huy động mọi nguồn lực xã hội, cùng chung tay cải thiện môi trường sống cho trẻ em; tạo cơ hội để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và phát triển toàn diện; tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Tuy nhiên, theo ông Lê Trung Kiên, tùy theo tình hình diễn biến của dịch Covid-19, các tổ chức, đơn vị sẽ tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc gia đình có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo vượt khó, học giỏi; trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, bị bạo lực, xâm hại; trẻ em tại các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em…
Bà Đỗ Thị Thúy Vân, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Tuy An, Phú Yên cho biết: Do tình hình dịch bệnh, dự kiến Tháng hành động Vì trẻ em năm 2021, huyện sẽ vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em; vận động hỗ trợ xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em; thăm, tặng quà, học bổng và hỗ trợ khám, chữa bệnh cho trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thường xuyên rà soát, kiểm tra, phát hiện và có biện pháp khắc phục kịp thời những nơi nguy hiểm thường xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông cho trẻ em để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong dịp hè, mùa mưa lũ.