Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Núi Thành, ông Trần Văn A, đồng thời là người nghiên cứu thực hiện đề án “Phục tráng giống nếp Bàu Đưng” cho biết, giống nếp Bàu Đưng có đặc điểm riêng biệt mà các địa phương khác trên địa bàn tỉnh không có, đây là loại giống dài ngày, từ gieo mạ đến thu hoạch khoảng 140-145 ngày, thích hợp vụ Hè-Thu, với chiều cao cây đến 1,42m, năng suất đạt 45 tạ/ha, chịu ngập và chịu hạn tốt, loại hạt bầu có độ dẻo cao, thơm đặc trưng. Theo ông A do nhiều nguyên nhân trong quá trình thụ phấn, dịch bệnh, dụng cụ lao động của người dân và quá trình vận chuyển,…đã làm mất đi nguồn gốc giống nếp quý hiếm này. “Nếp hiện tại phân ly nhiều tầng, hạt nhiều dạng khác nhau, màu hạt nếp khác xưa”-Ông nói.
Giống lúa Bàu Đưng.
Bằng phương pháp phục tráng dương, chọn lọc theo bông thực hiện trên 3 vụ với tiêu chí chọn lọc là bông lúa màu vàng, dạng cây cao,…sau đó, chọn mặt bằng ruộng đẹp để thực hiện gieo sạ, dùng phương pháp khử lẫn, loại những cây không khác dạng ra khỏi đám ruộng.
Triển khai dự án tại 2 xã Tam Mỹ Đông và Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, với diện tích tổng 30ha, 19 hộ tham gia thí điểm sau 3 vụ. Đến nay đã mang lại hiệu quả. Ông A cho biết: “Năng suất bình quân đạt 45 tạ/ha, lúa nếp có mùi thơm đặc trưng và chiều cao cây lúa đạt tối thiểu 1,42m theo giống lúa nếp xưa”. Cây lúa nếp Bàu Đưng có thể thích hợp trên vùng ruộng thường, ruộng trũng và cả đất vùng núi.
Mùa thu hoạch và kiểm tra chất lượng lúa.ảnh:Cung cấp
Ông Ngô Thơ, thôn Phú Quý 2, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, tham gia mô hình này, cho biết: “Sau 3 vụ lúa với diện tích khoảng 3 sào, năng suất tăng hơn, đạt 180kg tươi, lúa ít sâu bệnh, mùi thơm thể hiện rõ từ ngoài đồng ra thấy. Lúa có độ đồng đều hơn, nên tiếp tục được nhân rộng”. Tương tự, ông Châu Ngọc Đình, thôn Phú Quý 2, xã Tam Mỹ Đông, huyện Núi Thành, theo ông, sản xuất lúa nếp giá trị cao hơn làm lúa thường gấp 2 lần, mặc dù thời vụ chậm lại vì là lúa dài ngày, sâu bệnh ít, lúa phát triển tốt.
Trưởng Trạm, ông A cho biết, hướng sắp tới sẽ nhân rộng mô hình này ra, sử dụng lúa nếp vào mở rộng chế biến, tạo thành đặc sản vùng miền, góp phần xóa đói giảm nghèo.