Mỗi dịp đến Tết Độc lập 2/9, trên mọi nẻo đường, góc phố, thôn quê, nơi đâu cũng tràn ngập cờ hoa rực rỡ. Ảnh: Lê Anh Dũng
Nước ta có nhiều ngày lễ trọng. Nhưng thiêng liêng nhất đối với mỗi người dân Việt Nam là ngày Lễ Quốc khánh 2/9/1945. Ngày lễ trọng này cũng còn được gọi là Tết Độc lập.
Trong tâm khảm sâu xa của người Việt, nói đến Tết là gợi nhắc những điều vừa gần gũi, ấm áp, vừa thiêng liêng, thành kính. Mỗi dịp đến Tết Độc lập 2/9, trên mọi nẻo đường, góc phố, thôn quê, nơi đâu cũng tràn ngập rừng cờ hoa rực rỡ. Cờ hoa của lòng tự hào dân tộc, cờ hoa của niềm vui chiến thắng, cờ hoa của lòng người!
Nhưng cờ hoa cũng nhắc nhở chúng ta không bao giờ được phép lãng quên quá khứ, một quá khứ nhuộm bằng máu đào của bao thế hệ cha anh đã dâng hiến, hy sinh trọn đời mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đất nước ta, dân tộc ta tự hào từng có một thế hệ “Người ra đi đầu không ngoảnh lại”, “Đâu có giặc là ta cứ đi”, để “Khi một lần nằm xuống, nhìn anh em đứng lên phất cao ngọn cờ”. Vì thấm nhuần điều tự nguyện bình dị mà cao cả ấy, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, cả nước có 1,2 triệu liệt sĩ, trong đó có gần 160.000 đảng viên liệt sĩ đã nằm lại đất mẹ cho giang sơn gấm vóc Việt có được hình dáng trọn vẹn như hôm nay.
Từ một nước không có tên trên bản đồ thế giới, không có chủ quyền, nhờ thế hệ cha anh không tiếc máu xương, quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, Việt Nam đã vượt qua bóng đêm trường nô lệ để bước ra ánh sáng với tư cách là một quốc gia độc lập, thống nhất và đến nay đã có mối quan hệ bang giao với gần 190 quốc gia trên khắp năm châu bốn biển. Thành quả này bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân căn bản hàng đầu là dân tộc Việt luôn chung sức đồng lòng, biết khơi dậy, kết nối và phát huy sức mạnh của muôn người thành sức mạnh dời non lấp biển để dám đánh, quyết đánh, biết đánh và đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học xuyên suốt, sống động nhất trong lịch sử hiện đại nước nhà.
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Những thành tựu của hơn 30 năm đổi mới tạo đà cho chúng ta vững bước đi lên trên con đường xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Ông cha ta có câu “Miệng ăn núi lở” với hàm ý rằng, dù tài nguyên khoáng sản, của cải vật chất có dồi dào, phong phú đến bao nhiêu nhưng khai thác, sử dụng mãi cũng dần cạn kiệt. Chỉ có một thứ tài nguyên duy nhất càng khai thác càng “sinh lời”, đó là phát huy nguồn lực, tiềm năng sáng tạo vô bờ bến của con người để làm cho Tổ quốc ngày càng giàu mạnh. Muốn làm cho đất nước giàu mạnh, như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần khẳng định khi làm việc với các ngành, địa phương và đoàn thanh niên: “Chúng ta phải có khát vọng, không có khát vọng thì không thể nào phát triển được”. Vì thực tiễn cho thấy, một trong những bài học góp phần làm nên vinh quang của dân tộc trong lịch sử đó là nuôi dưỡng khát vọng và quyết tâm thực hiện bằng được khát vọng ấy.
Khát vọng là điều mong muốn tốt đẹp, cao cả với sự thôi thúc mạnh mẽ từ ý chí, niềm tin, hành động tích cực của mỗi cá nhân, tập thể để vươn tới chiếm lĩnh thành tích, đỉnh cao trong lĩnh vực, hoạt động của mình. Một con người, một tổ chức, một dân tộc có khát vọng chính là một trong những động lực mạnh mẽ nhất để vượt qua khó khăn, đạp bằng chông gai, tìm cơ hội trong thử thách nhằm đạt tới những mục tiêu, kết quả tốt đẹp cho bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Cả dân tộc ta từng có khát vọng giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc nên đã quyết chí đồng lòng đánh đuổi thực dân đế quốc cường bạo nhất thời đại ra khỏi bờ cõi giang sơn Việt Nam. Nhìn lại hành trình lịch sử của dân tộc sẽ thấy, mỗi khi đất nước lâm nguy, hoàn cảnh gian khó thì tinh thần phụng sự Tổ quốc lại trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Trong thời chiến, tinh thần xả thân, cống hiến, hy sinh vì cộng đồng, vì Tổ quốc như một thuộc tính giá trị tốt đẹp của hầu hết người Việt Nam.
Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, cùng với nuôi dưỡng và theo đuổi khát vọng, chúng ta đang cần động lực mới, quyết tâm mới, tinh thần cống hiến mới. Thế nên ý tưởng tạo ra tình thế đặc biệt để khơi dậy lòng quyết tâm, khơi dậy trách nhiệm phụng sự Tổ quốc lại càng trở nên cần thiết. Đặt ra một tình thế đặc biệt vì vị thế dân tộc bằng anh bằng em trong thời buổi hội nhập sẽ khơi dậy tinh thần phụng sự Tổ quốc, khơi dậy khát vọng tạo ra động lực đổi mới, làm chủ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0- cơ hội vàng đưa đất nước lớn lên.
Sống trong cuộc đời này, ai cũng mong muốn được hưởng hạnh phúc. Hạnh phúc của mỗi người không giống nhau, cũng khó có thể “cân đong đo đếm” một cách chính xác, nhưng đều có mẫu số chung, đó là cảm giác hài lòng, thỏa mãn về đời sống vật chất, tinh thần, tâm lý và tình cảm. Nhưng hạnh phúc của mỗi cá nhân chỉ thực sự có giá trị, ý nghĩa khi hòa vào hạnh phúc của cộng đồng, của đất nước, đúng như lời một bài hát “Chan hòa niềm vui chung như nước sông ra biển lớn”. Khi đất nước thái bình, cộng đồng hưởng niềm vui, chắc chắn không ai bị bỏ lại phía sau.
Điều giản dị này như một chân lý nếu như ai cũng hiểu, nhất là mỗi cán bộ, đảng viên luôn khắc cốt ghi tâm lời Bác Hồ dạy “Dĩ công vi thượng”. “Dĩ công vi thượng” là để việc chung, việc tập thể lên trước, lên trên việc cá nhân, tức là coi trọng làm tốt việc tập thể, việc xã hội để góp phần phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Xin đừng đơn giản nghĩ rằng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân là bản thân mình dễ bị thiệt thòi. Thực ra, khi tận tâm tận lực phụng sự những điều cao cả hơn, làm những việc ý nghĩa hơn cho cộng đồng, cho người khác là tự thân mình cũng lớn lên, trưởng thành trong quá trình phụng sự đó.
Bản chất của phụng sự Tổ quốc chính là đề cao ý thức công dân, làm tròn trách nhiệm xã hội, thực hiện tốt cương vị, chức trách được giao; có ý chí khát vọng vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội; đồng thời biết gắn kết và giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa cống hiến và trưởng thành, giữa lợi ích đất nước, lợi ích tập thể và lợi ích cá nhân.
Cùng tìm cách tháo gỡ, khơi thông những lực cản đối với sự phát triển của đất nước, thì trước sau bản thân, gia đình mình cũng thụ hưởng thành quả tốt đẹp của sự nghiệp cách mạng nước nhà. Ảnh: Lê Anh Dũng
Ông cha ta có câu “Phụng sự tổ tiên hồng phúc đến”, với hàm ý nhắc nhớ cháu con đừng quên chăm lo hương khói, nhớ về cội nguồn, tri tân tổ tiên và làm những điều hay lẽ phải thì nhất định sẽ gặp nhiều điều may mắn, tốt lành trong đời. Suy rộng ra, khi mỗi người, mỗi nhà cùng biết lo toan việc làng, việc nước, cùng vui với niềm vui của cộng đồng, cùng trăn trở với nỗi băn khoăn của xã hội, cùng tìm cách tháo gỡ, khơi thông những lực cản đối với sự phát triển của đất nước, thì trước sau bản thân, gia đình mình cũng thụ hưởng thành quả tốt đẹp của sự nghiệp cách mạng nước nhà.