Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Phương pháp gì giúp một người mẹ dạy con tài giỏi

(Dân sinh) - Từ lúc Phong Sơn ra đời, chị hướng cho con tính tự lập bằng việc cho ngủ riêng với ba mẹ lẫn tự ăn cơm. Bốn tuổi, chị Liên phát hiện Phong Sơn có trí nhớ tốt, có thể đọc báo “răm rắp”, lẫn tính toán nhanh vì thế chị cho con theo học các lớp tư duy, toán “finger math” để trau dồi khả năng.

Vũ Phong Sơn, cậu bé mang cái tên ý nghĩa “một ngọn núi trước những gió bão” được ba mẹ kỳ vọng em sẽ luôn vững chãi, kiên cường trong cuộc đời. Đến Điều con muốn nói, Phong Sơn bé đặt vào Chiếc hộp bí mật mảnh giấy nắn nót dòng chữ: “Con sẽ cố gắng hoàn thành mọi kì vọng của ba mẹ”.

Cậu bé 10 tuổi thổ lộ, ba mẹ vất vả kiếm tiền nuôi em ăn học, vì thế em cố gắng học giỏi, chăm chỉ đạt được những kì vọng của ba mẹ. Ngoài học ở trường, Phong Sơn còn được học nhiều lớp ngoại khóa, tư duy, nghệ thuật… Bé cũng thích nhảy và học nhảy gần 2 năm nay. “Con nghe mẹ kể lúc 2 – 3 tuổi, mỗi khi nghe nhạc karaoke, con nhảy theo rách luôn cả bỉm.

 “Quy trình tạo ra đứa trẻ giỏi toàn diện” của một người mẹ  - Ảnh 1.

Phong Sơn bé đặt vào Chiếc hộp bí mật mảnh giấy nắn nót dòng chữ: “Con sẽ cố gắng hoàn thành mọi kì vọng của ba mẹ”

Ngoài nhảy, mẹ muốn con học thêm rap để biểu diễn được nhiều hơn. Nếu con mệt mỏi vì học nhiều, con sẽ xin mẹ cho nghỉ học thêm một buổi. Con nhận được nhiều bằng khen nhưng con vẫn muốn có thêm nhiều thành tích để ba mẹ lúc nào cũng tự hào. Con không muốn gì cả chỉ muốn ba mẹ yêu thương con nhiều hơn”, Phong Sơn kể.

Phong Sơn dù phải học nhiều nhưng em luôn vui vẻ, không cảm thấy áp lực. Em tâm sự với mẹ mỗi ngày về chuyện học hành, bạn bè.

Phụ huynh của bé Phong Sơn - chị Kiều Liên ngạc nhiên về điều con trai tâm sự. Chị kể, từ lúc Phong Sơn ra đời, chị hướng cho con tính tự lập bằng việc cho ngủ riêng với ba mẹ lẫn tự ăn cơm. Bốn tuổi, chị Liên phát hiện Phong Sơn có trí nhớ tốt, có thể đọc báo “răm rắp”, lẫn tính toán nhanh vì thế chị cho con theo học các lớp tư duy, toán “finger math” để trau dồi khả năng. Khi học lớp 5, cậu bé đã có thể tính nhanh đến hàng ngàn con số. Phong Sơn thi đạt giải Toán cấp thành phố và giành được nhiều giải thưởng khác. Trong lớp cậu bé học rất tốt các môn Văn, Toán, Anh vì được trau dồi nền tảng từ nhỏ. Cậu bé thích nấu ăn, có thể tự nấu những món đơn giản như chiên trứng, luộc rau, khổ qua dồn thịt…

 “Quy trình tạo ra đứa trẻ giỏi toàn diện” của một người mẹ  - Ảnh 2.

Tôi quan sát con thích gì sẽ tạo điều kiện để con chơi, lẫn trải nghiệm khoảng 1 tháng

Chị Liên đôi lúc bận nhưng vẫn theo sát, tranh thủ lúc đưa đón con đi học để trò chuyện cùng con: “Tôi tâm sự, kể về những điều tôi nhìn thấy để con cảm nhận hiện thực cuộc sống trải ra hằng ngày là như thế nào. Tôi quan sát con thích gì sẽ tạo điều kiện để con chơi, lẫn trải nghiệm khoảng 1 tháng. Tôi chỉ đặt quy tắc sau khoảng thời gian trải nghiệm, nếu con vẫn đam mê thì phải học đến nơi đến chốn. Tôi đóng tiền cho con học, đầu tư cho con một cách lâu dài. Tôi không đặt quá nhiều kỳ vọng, hay ép con những điều con không thích bởi vô tình tạo áp lực tới Sơn”.

Chị Liên tiến hành từng bước từ lúc con trai còn nhỏ để có sự chuẩn bị hoàn hảo cho nghề nghiệp tương lai. Tất cả luôn theo quy trình và ba mẹ cùng đồng lòng cho việc định hướng giáo dục cho con. Hiện tại, chị cho Phong Sơn học thêm các khóa nghệ thuật về MC, nhảy, rap. Cậu bé cũng bộc lộ năng khiếu vẽ, thiết kế, chị đang cân nhắc để con trai học thêm.

 “Quy trình tạo ra đứa trẻ giỏi toàn diện” của một người mẹ  - Ảnh 3.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An nhận định cha mẹ Phong Sơn định hướng cho con bằng mục tiêu cụ thể, có thử thách để con chứng minh đam mê, nỗ lực, sự quyết tâm của mình

Lắng nghe câu chuyện, MC Ốc Thanh Vân nhận xét kỳ vọng của cha mẹ có thể xuất phát từ tình yêu thương và hướng đến mục tiêu mang đến cho con một tương lai tốt đẹp hơn. Ở lứa tuổi của Phong Sơn, đôi lúc cậu bé mệt, không thích những việc mình đang làm nhưng vì thương ba mẹ, Sơn cố gắng mỗi ngày: “Phong Sơn ngoan ngoãn, quan tâm đến người lớn, ở độ tuổi này các bạn còn rất ham chơi. Cậu bé ngoan, nhận thức được tầm quan trọng của việc học hành”.

Nữ MC cũng khuyên các phụ huynh hãy định hướng nghề nghiệp phù hợp cho con ngay từ những năm tháng đầu đời và xuất phát từ chính những năng lực tiềm ẩn của con. Khi phát hiện thấy trẻ có mong muốn, hay thích làm một việc gì đó, hãy chú ý quan sát và xác định tiềm năng của trẻ, giúp con lên kế hoạch, tạo điều kiện cho con được thỏa mãn với niềm đam mê đó.

Tiến sĩ Đào Lê Hòa An nhận định cha mẹ Phong Sơn định hướng cho con bằng mục tiêu cụ thể, có thử thách để con chứng minh đam mê, nỗ lực, sự quyết tâm của mình. Thành công luôn cần gắn liền với đam mê và chăm chỉ, đặc biệt là sự đồng hành của ba mẹ. Bất kì cha mẹ nào cũng có thể kỳ vọng vào con cái nhưng đừng kỳ vọng của bản thân mà áp đặt, quên mất ước mơ và hạnh phúc của chính con mình.