Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quan hệ nhà trường - cha mẹ học sinh khủng hoảng?!

 
Thư ngỏ của Ban đại diện cha mẹ học sinh và phúc đáp của ông Võ Quốc Bình (TP.HCM) - người viết thư gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh. Ảnh: Internet
 
Sự thẳng thắn, dân chủ, minh bạch là cần thiết
 
Việc nhà trường thông qua ban đại diện cha mẹ học sinh (thường được mọi người gọi một cách phổ biến là hội phụ huynh học sinh) thu các khoản tiền đã được mọi người biết đến từ lâu. Điều này diễn ra khi báo chí thông tin việc nhiều trường đã thu số tiền quá mức quy định vào đầu năm học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các chính quyền địa phương đã đưa ra mức thu hợp lý, kèm theo quy định là nếu trường nào lạm thu sẽ xử lý. Trước tình thế này, các trường đồng loạt dựa vào ban đại diện cha mẹ học sinh để thu những khoản tiền mà nhà trường muốn. Điều này nhiều người biết nhưng người ta chịu đựng, không lên tiếng.
 
Vào cuối tháng 9/2017, ông Võ Quốc Bình - một người cha có 2 con là học sinh ở TP. Hồ Chí Minh viết thư gửi Văn phòng Chính phủ đề nghị giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh vì ban đại diện không làm đúng chức năng của mình, mà chỉ thay mặt nhà trường thu hộ các khoản tiền. Đây là sự thẳng thắn rất đáng quý. Từ sự thẳng thắn này, rất nhiều người lên tiếng ủng hộ.
 
Sự việc đang “nóng” thì một phụ huynh của học sinh Trường Lương Thế Vinh (Hà Nội) - bà Hương Giang đăng “tâm thư” trên facebook phê phán phương pháp giáo dục của nhà trường hà khắc, không có tình người. Dù lời lẽ của bà Hương Giang có gay gắt, nhưng bà làm việc này công khai, đàng hoàng và sẵn sàng tranh luận sòng phẳng (trên thực tế, bà đã cho đăng bức “tâm thư” thứ hai).
 
Trường Lương Thế Vinh là một trường ngoài công lập nổi tiếng, xưa đến nay người ta chỉ nói tốt về trường, nay có người nói ngược lại nên thu hút sự quan tâm của rất nhiều người. Khác với trường nơi con ông Bình học (không thấy họ lên tiếng), còn Trường Lương Thế Vinh đã lập tức lên tiếng, trước hết là cô Phó Hiệu trưởng Văn Thùy Dương, tiếp theo là người sáng lập - Chủ tịch Hội đồng quản trị Văn Như Cương lên tiếng.
 
Sau khi có ý kiến của cả hai bên (nhà trường - cha mẹ học sinh), dư luận lại càng dậy sóng. Và như chúng ta thường thấy, dư luận có nhiều ý kiến khác nhau nhưng tựu trung cũng chia làm hai phe: ủng hộ và phản đối.
 
 
Bài viết của phụ huynh học sinh Trường Lương Thế Vinh làm dậy sóng dư luận. Ảnh: KT
 
Tranh luận là cần thiết, có ý nghĩa tích cực
 
Chắc khó có một “hội đồng” nào được thành lập để phán xử loại ý kiến nào đúng trong cuộc tranh luận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh. Tuy nhiên, bản thân cuộc tranh luận đã được xã hội quan tâm nên dù thế nào nó cũng có tác dụng. Có thể người ta không giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh theo đề nghị của ông Bình nhưng chắc chắn nhiều ban đại diện sẽ xem xét lại hoạt động của mình, tìm cách hoạt động đúng với chức năng trong điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh (ban hành kèm theo Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ trưởng Bộ GDĐT) đã quy định rõ nhiệm vụ.
 
Theo đó, ban đại diện phối hợp giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động giáo dục học sinh; tham gia giáo dục đạo đức cho học sinh; bồi dưỡng, khuyến khích học sinh giỏi, giúp đỡ học sinh yếu kém, vận động học sinh đã bỏ học trở lại tiếp tục học tập; giúp đỡ học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, học sinh khuyết tật, tàn tật.
 
Nếu ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động đúng như thế này, không ai đòi giải tán ban đại diện nữa. Người ta chỉ đòi giải tán ban đại diện đã biến tướng thành “ban thu tiền”.
 
Còn trong cuộc tranh luận giữa bà Hương Giang và đại diện Trường Lương Thế Vinh có nội dung rộng hơn, sâu hơn, có tính nguyên tắc hơn. Do vậy, cuộc tranh luận này rất khó phân định ai đúng, ai sai; lý lẽ của ai thuyết phục hơn. Ở đây có sự khác nhau về nhận thức, về quan niệm khi nói đến phương pháp và mục tiêu giáo dục. Hơn nữa, cùng một hiện tượng nhưng hai bên dùng hai từ khác nhau thì ý nghĩa của nó cũng đã khác. Bà Hương Giang cho rằng, Trường Lương Thế Vinh “hà khắc”, còn thầy Văn Như Cương cho rằng trường “nghiêm khắc”.
 
Dẫu thầy Văn Như Cương khẳng định trong tương lai nhà trường vẫn trung thành với quan điểm của mình, không thay đổi phương pháp, nhưng tôi tin rằng, trên thực tế sẽ có những sự điều chỉnh cần thiết. Cuộc tranh luận có ý nghĩa tích cực ở chỗ này.
 
Quan hệ nhà trường - cha mẹ học sinh có lâm vào khủng hoảng?
 
Như vậy là chúng ta đã được chứng kiến cha mẹ học sinh công khai phản đối nhà trường, kể cả trong việc thu tiền cũng như phương pháp giáo dục. Cách thức phản đối này còn trở nên rầm rộ, mạnh mẽ khi có hàng triệu người tham gia bình luận trên báo chí và trên mạng xã hội. Ý kiến ủng hộ nhà trường cũng có nhưng có vẻ ít hơn về số lượng và yếu hơn về quan điểm. (Có cơ quan báo chí đã làm điều tra,  trên 70% ý kiến ủng hộ giải tán ban đại diện cha mẹ học sinh). Có lẽ, đây là hiện tượng xưa nay chưa từng có, vì vậy nhiều người cho rằng, quan hệ giữa cha mẹ học sinh và nhà trường đang lâm vào khủng hoảng.
 
Cuộc sống đang trong quá trình thay đổi rất nhanh, kéo theo nhiều thứ thay đổi, trong đó có quan hệ nhà trường - cha mẹ học sinh. Câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” vẫn còn giá trị. Người ta vẫn yêu quý thầy, cô giáo, song, cách yêu bây giờ cũng đã khác - yêu không có nghĩa là nuông chiều, nín chịu trước những việc làm chưa hay, chưa chuẩn của nhà trường, của thầy cô. 
 
Việc cha mẹ học sinh đàng hoàng, công khai lên tiếng phê phán, phản đối một số việc làm, một số phương pháp giáo dục của nhà trường là việc đáng khen, đáng mừng. Điều này thể hiện sự mạnh mẽ, tự tin của phụ huynh; nó cũng nói lên rằng trình độ dân trí của cha mẹ học sinh đã được nâng lên. Hơn thế nữa, đây có thể được coi là biểu hiện của việc thực hiện dân chủ trong việc xã hội hóa giáo dục.
 
Quan hệ nhà trường - cha mẹ học sinh không lâm vào khủng hoảng, mà nó đang thay đổi - trở nên dân chủ, bình đẳng, có đóng góp tích cực hơn.
 
 

Nhiều bạn đọc cho rằng, trường học thì có ngân sách hỗ trợ, không thể động tới cái gì cũng kêu phụ huynh đóng góp (như lát gạch nền, vệ sinh lớp học…). Ảnh: KT
 
                                                                                  
                   Cần phải tránh thảm họa!
 
Với việc có hàng chục triệu người Việt Nam tham gia mạng xã hội thì hiệu ứng “tâm lý đám đông” càng mạnh mẽ. Nói một cách đơn giản, dễ hiểu là nhiều người sẽ ủng hộ quan điểm của đám đông trên mạng xã hội.
 
Thực tế chỉ ra rằng, khi có một vấn đề mới mẻ xảy ra, mạng xã hội có vai trò phổ biến vấn đề này đến rất nhiều người. Khi phổ biến vấn đề, người ta không quên đưa ra cách đánh giá của mình, ý kiến ủng hộ hay phản đối của mình. Điều này là bình thường, vì “đời sống” của dân cư mạng vốn vậy.
 
Mạng xã hội hiện nay đã trở thành một “đế chế truyền thông”, gây ảnh hưởng rất lớn trong công chúng. Chỉ có điều, những thông tin trên mạng không phải lúc nào cũng đúng; những ý kiến trên mạng không phải lúc nào cũng công bằng. Thông thường, ý kiến của một số người có uy tín thường được nhiều người ủng hộ ngay lập tức mà không cần tìm hiểu đúng sai như thế nào.
Trong bối cảnh như vậy, khi bàn luận về những vấn đề văn hóa, y tế, giáo dục có liên quan đến cách làm đúng - sai, chúng ta cần có sự cẩn trọng nhất định. Đặc biệt, những người nổi tiếng, những người có tên tuổi và có ảnh hưởng nhất định trong cộng đồng nên suy ngẫm kỹ càng trước khi đưa ra ý kiến bình luận của mình. Nên nhớ rằng, bất kể đúng sai, những ý kiến này sẽ được đám đông ủng hộ.
 
Khi đám đông ủng hộ cái đúng - tuyệt vời! Nhưng khi đám đông ủng hộ cái sai - thảm họa! Chúng ta cần phải tránh thảm họa.
 
                                                          Trọng Đàm

 

Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE