Tới dự buổi lễ về phía Bộ LĐ-TB&XH có Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi, Phó Chánh Văn phòng Bộ Lưu Hồng Sơn. Về phía Bộ NN&PTNT có Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng, lãnh đạo Tổng cục Thủy lợi, và các đơn vị chức năng, đại diện Tổ chức Malteser International (Tổ chức phi chính phủ của CHLB Đức).
Toàn cảnh buổi lễ
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng điểm lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt bão xảy ra ở Việt Nam trong nững năm gần đây. “Thống kê trong 10 năm trở lại đây, bình quân mỗi năm, bão, lũ, sạt lở đất, lũ quét, hạn hán và các thiên tai khác đã chết và bị thương hàng trăm người, thiệt hại về tài sản ước tính chiếm 1,5% GDP. Năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 172/QĐ-TTg về “Chiến lược Quốc gia về Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020”. Sau đó, năm 2009, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1002/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng” trợ giúp những người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật. Sau khi các Đề án được ban hành, Bộ NN&PTNT-cơ quan thường trực phòng chống lụt bão và giảm nhẹ thiên tai đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan, chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ vào cuộc ,trong đó ưu tiên tập trung hỗ trợ những người yếu thế, đặc biệt là người khuyết tật…”-Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho biết.
Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao việc triển khai Đề án
Một thuận lợi trong quá trình triển khai các Đề án của Thủ tướng Chính phủ ban hành là Bộ NN&PTNT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được các tổ chức phi chính phủ vào cuộc hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, kinh nghiệm trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Với Chương trình phối hợp công tác triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” hai Bộ: NN&PTNT, LĐ-TB&XH cùng hướng tới mục tiêu: Thống nhất cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hai Bộ, hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hỗ trợ cộng đồng, đảm bảo cho người khuyết tật được tham gia hiệu quả của Đề án, nâng cao nhận thức và sự vào cuộc chủ động, góp phần thay đổi quan niệm và hành vi của xã hội về vấn đề người khuyết tật, khuyến khích các tổ chức xã hội, phi chính phủ tham gia hỗ trợ người khuyết tật nhiều hơn…
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga,Trưởng Đại diệnTổ chức Malterser International phát biểu
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm đánh giá cao chương trình Đề án của ngành NN&PTNT. “Đây là bước triển khai, cụ thể hóa thực hiện Luật Người khuyết tật, trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến vấn đề tạo việc làm, sinh kế, hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và trên thực tế các Bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội trong nước, quốc tế đã tham gia hỗ trợ rất có hiệu quả. Sự phối hợp chủ động vào cuộc của Bộ NN&PTNT hy vọng sẽ là hiệu ứng tốt để các bộ, ngành, tổ chức xã hội, địa phương cùng chung tay chăm lo cho đời sống của người khuyết tật…”-Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm bày tỏ.
Hai Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, NN&PTNT trao văn kiện sau lễ ký
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, Trưởng Đại diện Tổ chức Malterser International bày tỏ phấn khởi được tham gia hỗ trợ các dự án giảm thiểu rủi ro thiên tai dành cho người khuyết tật. Bà cho biết, trước đó dự án “Giảm thiểu rủi ro thiên tai dự vào cộng đồng hướng đến người khuyết tật” giai đoạn 1(năm 2012) của Malterser International đã được thực hiện thí điểm tại tỉnh Quảng Nam với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Dự án triển khai tại 47 thôn của 6 xã thuộc 3 huyện: Duy Xuyên, Điện Bàn và Đại Lộc. Ban quản lý dự án đã khảo sát, thu thập thông tin nhằm đánh giá đúng năng lực, tình trạng dễ bị tổn thương và tổ chức tập huấn cho người khuyết tật; trong đó chú trọng cung cấp kiến thức về tổ chức cảnh báo sớm, cứu hộ, diễn tập sơ cấp cứu và sơ tán…
Tổ chức Malterser International triển khai trao áo phao cho người dân ở Quảng Nam
Diễn tập phòng chống lụt bão ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế
Đến nay, dự án đã thành lập đựơc 47 Ban quản lý rủi ro thiên tai cấp thôn; tổ chức diễn tập sơ tán toàn thôn với sự tham gia tích cực của gần 35.000 người dân vùng thấp lụt, sạt lở. “ Thành công của dự án là đã tạo điều kiện thay đổi nhận thức cho người khuyết tật, giúp họ mạnh dạn hơn, vượt qua tự ti, mặc cảm để tham gia vào các Ban quản lý rủi ro thiên tai cấp thôn, tham gia vào các hoạt động mà trước đây họ chưa từng nghĩ đến, góp phần đem lại quyền lợi thiết thực cho người khuyết tật và và chính gia đình họ….”-bà Nga chia sẻ.