Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quán quân Tìm kiếm tài năng Việt Nam có bị lệch lạc giới tính?

Diễn xuất thần với các vai diễn giả gái ngọt như mía lùi: Súy Vân, Thị Mầu... cậu bé Đức Vĩnh đã chinh phục được khán giả và bộ tứ quyền lực chương trình Tìm kiếm tài năng Việt Nam 2015 để giành ngôi vị Quán quân. Tuy nhiên, không ít người lo ngại, việc giả gái có làm ảnh hưởng đến tâm lý trẻ em hay lệch lạc giới tính hay không?

 

Hóa thân xuất sắc vào cả hai vai nam và nữ trong trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội”, cậu bé Nguyễn Đức Vĩnh - người từng chinh phục khán giả với các vai đào lệch, đào pha của nghệ thuật chèo như Thị Mầu, Xúy Vân…đã đăng quang "Tìm kiếm Tài năng- Vietnam’s Got Talent" mùa thứ 3 một cách thuyết phục. Giám khảo Thành Lộc không coi cậu bé là thí sinh nữa, mà là đồng nghiệp. "Tôi có cảm giác lúc cháu diễn như có ai nhập vào vậy. Đôi mắt có hồn kinh khủng. Đức Vĩnh bây giờ không phải là tài năng nữa, mà là thần đồng", Thành Lộc cho bết. Giọng hát Đức Vĩnh luyến láy, đầy sắc màu có thể là cô Mầu lẳng lơ, cũng có thể một lúc đóng hai vai: lão già và một cô Súy Vân... Chính vì Đức Vĩnh hát quá xuất sắc đặc biệt là khi hóa thân thành những vai diễn nữ nên có không ít ý kiền xì xèo đặt ra nghi vấn em có bị lệch lạc giới tính khi hóa thân giỏi đến vậy? Đức Vĩnh từng chia sẻ "Con chỉ nhập vai khi diễn. Ở ngoài đời con sẽ trở lại bình thường, chẳng sao cả”.

Nguyễn Đức Vĩnh thể hiện xuất sắc trích đoạn tuồng "Ông già cõng vợ đi xem hội".

Sự việc càng đẩy lên cao khi đặt trong tương quan với chương trình "Gương mặt thân quen nhí" cấm các bé trai giả gái để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của các em. Nhạc sĩ Minh Khang, giám đốc âm nhạc của chương trình, cho biết: "Khi tìm nhân vật để các thí sinh hóa thân, chúng tôi chọn rất cẩn thận, tránh để các em trai chọn trúng ca sĩ nữ. Vì ở độ tuổi các em nếu cứ giả gái sẽ ảnh hưởng đến tâm sinh lý, khi vào trường học, các em dễ bị giễu cợt. Đó là điều không tốt. Hình ảnh bé gái mà giả trai thì lại là hình ảnh vui".

Đức Vĩnh với vở diễn "Thị Mầu lên chùa"

Tuy nhiên, theo ý kiến của chuyên gia tâm lí Nguyễn An Chất - Giám đốc Cty Tâm lí An Việt Sơn cho biết ở độ tuổi này các em chưa thể bị ảnh hưởng tâm lí bởi những vai diễn giả gái hay trai của mình trên sân khấu cũng như ngoài đời. Việc trẻ em gái hay trai thích mặc hay thích chơi những trò chơi không thuộc giới tính của mình ở độ tuổi 8-15 tuổi là việc bình thường, người lớn không nên đặt nặng vấn đề này mà cấm đoán một cách quyết liệt, vì như vậy sẽ dễ làm con bị sốc. Nếu những trẻ ở độ tuổi này có sở thích như vậy thì đó cũng chỉ là những thói quen hết sức bình thường chứ không hề đánh giá được giới tính của con, bởi hóc môn nữ hay nam đã được quy định sẵn. Nếu không có những ảnh hưởng quá lớn từ môi trường như bị lôi kéo hay sang chấn tinh thần thì khó có thể thay đổi giới tính thật của trẻ. Theo chuyên gia tâm lí Nguyễn An Chất, việc nguy hiểm nhất là người lớn áp đặt những điều trẻ không muốn và bắt trẻ làm theo, như vậy sẽ khiến trẻ mất tự chủ, sẽ trở thành nô lệ của những thói quen.