Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quan tâm có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động

(Dân sinh) - Theo đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khởi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Vì thế, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này kịp thời, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, rút lui khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại phiên thảo luận

Sáng 1/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024...

Phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế- xã hội tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cơ bản thống nhất với các Báo cáo của Chính phủ trình và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội.

Đề cập về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, đại biểu thống nhất việc đề nghị Quốc hội kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư phát triển bố trí cho các dự án đầu tư của Chương trình đến hết năm 2024.

Đại biểu cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình thì sẽ có tác dụng rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên hiện việc giải ngân vốn của Chương trình còn khá chậm, đến ngày 30/9 mới đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.

Về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hỗ trợ kinh doanh lãi suất 2 %/năm tối đa 40.000 tỉ thông qua hệ thống ngân hàng thương mại không hỗ trợ lãi suất. Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ 2% lãi suất này. Đồng thời cần làm rõ trách nhiệm trong việc triển khai kết quả thực hiện còn hạn chế.

Về tình hình hoạt động của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng cho biết: "Bình quân tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khởi thị trường trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động. Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao".

Do đó, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này kịp thời, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, rút ru khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình bày tỏ nhất trí với nội dung báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và các Báo cáo tham gia thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội…

Đại biểu cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng, kể cả những chính sách chưa có trong tiền lệ. Với những hành động quyết liệt của Chính phủ, nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế- xã hội nước ta đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện. Tuy nhiên, kinh tế- xã hội vẫn còn những khó khăn, tốc độ tăng trưởng năng suất lao động không đạt mục tiêu. 

Theo đại biểu, năng suất lao động có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Vì vậy, đại biểu cho rằng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Chính phủ cần tập trung cải thiện chỉ tiêu quan trọng này, nâng hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước

Đánh giá đầy đủ, toàn diện việc thực hiện các cơ chế, chính sách tại Nghị quyết 43, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43 là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội trong điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Nghị quyết được ban hành tại kỳ họp bất thường với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã giúp cho việc phòng, chống, kiểm soát dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đạt nhiều kết quả tích cực, đưa nước ta ra khỏi giai đoạn khó khăn, được cử tri, nhân dân đánh giá cao và cộng đồng quốc tế ghi nhận. 

Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương cũng đã nỗ lực, cố gắng, trách nhiệm để triển khai thực hiện Nghị quyết về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh kết quả đạt được, đại biểu chỉ rõ, đến nay vẫn còn một số nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết dự kiến đến hết thời gian thực hiện không đạt hoặc là đạt, hiệu quả chưa cao.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá đầy đủ và toàn diện hơn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách quy định tại Nghị quyết....

Theo đại biểu, cần đánh giá toàn diện hơn việc thực hiện các chính sách tiền tệ về kết quả huy động các nguồn lực và kết quả, hiệu quả thực hiện các chính sách đặc thù cũng như số vốn đã giải ngân trong lĩnh vực y tế. Về hiệu quả và tình hình giải ngân cho đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở trợ cấp xã hội, đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm; tình hình và kết quả triển khai cấp vốn đều lại cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch; hiệu quả và tác động của chính sách hỗ trợ lãi suất thông qua Ngân hàng chính sách xã hội. 

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

"Đây là các nhiệm vụ để bảo đảm an sinh xã hội, phục hồi hoạt động của doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 - 2025", nữ đại biểu nhấn mạnh, và đề nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về kết quả và tác động của các cơ chế, chính sách đã thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và giải pháp triển khai các chính sách chưa thực hiện hoặc thực hiện hiệu quả chưa cao.

Đồng thời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, nhiều cơ chế chính sách trong nghị quyết chưa thực hiện hoặc là đã thực hiện nhưng hiệu quả còn thấp.

Quan tâm vấn đề đào tạo nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho biết, trong 10 năm trở lại đây, số lượng cơ sở đào tạo nhân lực y tế tăng nhanh.

"Bối cảnh tương lai cho thấy vẫn sẽ có sự thiếu hụt nhân lực y tế, con người là yếu tố cốt lõi của sự phát triển, các trường đào tạo y tế đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngành y tế. Bên cạnh những thành tựu đạt được, còn nhiều hạn chế và thách thức với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế hiện nay", đại biểu cho biết.

Cụ thể, theo đại biểu, số sinh viên quá đông, chi phí đào tạo thấp, cơ hội thực hành hạn chế, chương trình, phương pháp đào tạo chưa hiện đại, hệ thống kiểm định chất lượng chưa hình thành, đội ngũ giảng viên chưa đảm bảo, công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên.

Đại biểu đề nghị tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm các cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, kiên quyết ngừng tuyển sinh với các trường không đủ điều kiện, quy trịnh các trường đào tạo khối ngành sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn kiểm định chậm nhất vào năm 2026, đối với các trường đào tạo trình độ đại học, đặc biệt là trường đào tạo bác sĩ phải đạt kiểm định khu vực và quốc tế để đáp ứng yêu cầu hội nhập. 

Ngoài ra, cần quy định các điều kiện chuyên môn đặc thù của khối ngành sức khỏe trong tổ chức đào tạo, đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong suốt quá trình, từ khâu đầu vào đến quá trình đào tạo, đến khâu đầu ra. Cần xây dựng bộ tiêu chí kiểm định chất lượng đào tạo y tế đặc thù cho các ngành đào tạo nhân lực y tế, đảm bảo chuẩn đầu ra trong giáo dục nhân lực y tế, từng bước chuẩn hóa chất lượng đào tạo trong các trường đào tạo y tế.