Đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thị trường
Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, tính đến ngày 14/9/2022, tổng số học viên đang quản lý tại các cơ sở cai nghiện trên địa bàn là 2.560 người. Tính chung 9 tháng đầu năm tiếp nhận 8 18/950 người, đạt 86.1% kế hoạch năm. Về cai nghiện tự nguyện, trong 9 tháng qua, tiếp nhận 266 người, (tăng 47 người so với cùng kỳ năm 2021), đạt 56.4% kế hoạch năm.
Công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện cũng đạt nhiều kết quả tích cực. Lũy kế 9 tháng đầu năm đã tổ chức cai nghiện tự nguyện cho 246 người. Đáng chú ý, tại cơ sở cai nghiện ma túy đều duy trì thường xuyên các hoạt động hỗ trợ, tư vấn theo nguyện vọng của học viên và gia đình. Tính riêng trong quý III/2022, tư vấn hướng nghiệp cho 685 học viên; tư vấn giới thiệu việc làm cho 312 học viên.
Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì các ngành nghề gia công sản phẩm, tạo việc làm lao động trị liệu cho 3.539 lượt học viên; công tác phối hợp với doanh nghiệp và ác đối tác cơ bản thuận lợi; đồng thời tiếp tục duy trì các lớp dạy nghề cho 500/500 chỉ tiêu, đạt 100% kế hoạch năm.
Để tạo công ăn việc làm, hỗ trợ người sau cai nghiện hòa nhập cộng đồng, các cơ sở cai nghiện đều có các chương trình dạy nghề phù hợp và tìm việc cho học viên. Đây luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp, ngành nói chung và Sở LĐ-TB&XH Hà Nội nói riêng. Chỉ có ổn định việc làm mới giúp học viên tái hòa nhập cộng đồng, ngăn ngừa tái nghiện và giảm tệ nạn xã hội. Vì thế, các đơn vị khác trong khối Cai nghiện ma túy Hà Nội đã định hướng nghề nghiệp, tư vấn tìm việc cho học viên trước khi tái hòa nhập cộng đồng.
Ông Ngô Văn Ất, Phó Giám đốc Cơ sở Cai nghiện ma túy số 3 Hà Nội cho biết, hiện nay đơn vị đang cai nghiện và chữa trị cho gần 400 học viên. Dựa trên kế hoạch chỉ tiêu cấp trên giao, đơn vị đã xây dựng kế hoạch khảo sát nhu cầu của các học viên có nguyện vọng, đăng ký học nghề gì. Các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, giúp học viên khi trở về cộng đồng dễ tìm kiếm việc làm. Đối với các học viên, khi vừa được cai nghiện, điều trị lại được hỗ trợ đào tạo nghề thì hết sức phấn khởi với quyết tâm làm lại từ đầu, tránh xa ma túy.
Xây dựng phần mềm quản lý trên nền tảng bản đồ số
Nhằm hỗ trợ người nghiện ma túy, giúp họ có cơ hội từ bỏ con đường lầm lỡ, hòa nhập cộng đồng, ngành LĐ-TB&XH Hà Nội xây dựng phần mềm quản lý người cai nghiện, người sau cai nghiện ma túy và hệ thống quản lý thông tin tệ nạn xã hội trên nền tảng bản đồ số. Bên cạnh đó, các cơ sở có chức năng tư vấn, điều trị cai nghiện không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, qua đó thu hút ngày càng nhiều số người tham gia cai nghiện theo hình thức tự nguyện, điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Việc hướng nghiệp, dạy nghề cho đối tượng trong thời gian điều trị cai nghiện cũng được ngành LĐ-TB&XH Hà Nội cùng các bên quan tâm. Đây là tiền đề quan trọng để giúp người nghiện sau cai có việc làm, ổn định cuộc sống. Cụ thể, cuối năm 2021, Sở LĐTB&XH đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch xây dựng và triển khai các mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện tại nơi cư trú trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025.
Trong đó, Hà Nội đề ra giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, khuyến khích cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia dạy nghề, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng; lồng ghép công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng, công tác quản lý sau cai nghiện ma túy với các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương...
Triển khai kế hoạch này, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã và đang phối hợp với với các Cơ sở cai nghiện ma túy số 2, số 3, số 5… để tổ chức chương trình tư vấn, hướng nghiệp học nghề, giới thiệu việc làm cho học viên đang cai nghiện sắp hòa nhập cộng đồng. Đây là một chủ trương, chính sách mang tính nhân văn có ý nghĩa hết sức thiết thực, giúp học viên có cơ hội tiếp cận tốt nhất với các nguồn lực trợ giúp từ xã hội khi trở về cộng đồng.