Thủ tướng cho rằng đây là sứ mệnh của tỉnh đối với cả nước khi tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa hội tụ ở Quảng Bình khá lớn. Tại buổi làm việc, ý kiến thành viên đoàn công tác Chính phủ cho rằng, Quảng Bình có giá trị tài nguyên du lịch nổi trội, khác biệt. Đó chính là hệ thống hang động, mang thương hiệu du lịch quốc gia như Phong Nha-Kẻ Bàng, hang Sơn Đoòng. Do vậy, tỉnh cần phát triển cơ sở hạ tầng du lịch để bảo đảm đón lượng khách du lịch lớn; quan tâm đào tạo nhân lực làm du lịch. Quảng Bình cần đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng thương hiệu du lịch, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Thủ tướng lưu ý tỉnh Quảng Bình cần tái cơ cấu 3 lĩnh vực tăng trưởng: công nghiệp-nông nghiệp- dịch vụ để có hiệu quả cao hơn. Ảnh. VGP
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng biểu dương tỉnh Quảng Bình có đổi mới trong chỉ đạo, nỗ lực khắc phục khó khăn để vươn lên, đạt nhiều chỉ tiêu KT-XH, trong đó sản xuất phục hồi, du lịch tăng cao. Xây dựng nông thôn mới có nhiều cố gắng. Quảng Bình liên tục trong nhiều năm dẫn đầu về bảo vệ rừng đầu nguồn tự nhiên, cho nên các dòng sông còn giữ được màu xanh.
Tuy nhiên, tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức với đồi núi chiếm gần 79% diện tích, thời tiết khắc nghiệt, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu. Cơ sở hạ tầng lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp. Các khu kinh tế, khu công nghiệp còn vắng vẻ.
Về nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “không có ai đứng bên lề sự phát triển, không có ai ở lại phía sau”. Do đó, cần tái cơ cấu cả 3 lĩnh vực tăng trưởng là công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ để có hiệu quả cao hơn. Phải phát triển bền vững cả môi trường và xã hội để người dân tham gia vào quá trình phát triển.
Thủ tướng và đoàn công tác thăm xã nông thôn mới Đức Trạch (huyện Bố Trạch) kiểm tra một hộ chế biến thủy sản. Ảnh.VGP
“Con đường đi đến thịnh vượng của Quảng Bình là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng, với tam giác phát triển là kinh tế - văn hóa – môi trường. Nếu tỉnh đạt 5 – 7 triệu khách nước ngoài thì sẽ khác rất xa”, Thủ tướng nói.
Cũng theo Thủ tướng, Quảng Bình cần nâng cao chất lượng quy hoạch, có tầm nhìn đồng bộ, không mâu thuẫn và triệt tiêu lẫn nhau. Không đặt ra một chiến lược quy hoạch “quả mít” – có quá nhiều mũi nhọn, chỗ nào cũng là mũi nhọn.
Việc cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh mà đòn bẩy chính là lãnh đạo tiếp xúc, đối thoại thường xuyên với doanh nghiệp để giải quyết khó khăn, vướng mắc; lập đường dây nóng, giải đáp, hỗ trợ khó khăn khi đăng ký kinh doanh, xây dựng hệ thống doanh nghiệp chấm điểm đối với thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Tỉnh cần phấn đấu có 10.000 doanh nghiệp vào năm 2020. Bên cạnh đó, cần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tháo gỡ một số điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng.
Nêu rõ “một cây làm chẳng nên non”, “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân”, Thủ tướng đề nghị Quảng Bình cần chú trọng vấn đề liên kết vùng, “làm du lịch thì không thể làm một mình được”. Trong phát triển du lịch, phải xây dựng cộng đồng làm du lịch, một cộng đồng thân thiện, văn minh.
Cũng trong chuyến công tác tại Quảng Bình, Thủ tướng đến thăm và làm việc tại xã Đức Trạch, huyện Bố Trạch về tình hình xây dựng nông thôn mới cũng như tình hình sản xuất, đời sống bà con sau sự cố môi trường biển. Thủ tướng đánh giá cao nỗ lực của xã Đức Trạch trong xây dựng nông thôn mới cũng như nhanh chóng chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển miền Trung, đặc biệt là làm tốt công tác đền bù cho người dân. Chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân đóng mới, sửa chữa nhiều phương tiện đánh bắt, xây dựng hạ tầng nông thôn. Đến nay, tình hình đã trở lại bình thường. Đời sống của người dân được nâng lên.
Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền trong xã Đức Trạch phát huy truyền thống, đoàn kết, bám sát thực tiễn cuộc sống, đời sống nhân dân để chỉ đạo, điều hành, nhất là về phát triển sản xuất khi đây là xã chuyên đánh bắt thủy sản.
“Chuyển hướng thế nào để phục vụ du lịch, không thể làm tôm, cá, mực như trước đây, chỉ phục vụ trong xã, huyện, mà cần phục vụ khách du lịch như thế nào và phải đổi mới tư duy để nâng cao hơn nữa đời sống người dân”- Thủ tướng nhấn mạnh và mong muốn xã Đức Trạch nỗ lực phấn đấu, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, tránh tình trạng “thành tích non”, sớm thỏa mãn với những thành tích bước đầu.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn tặng Thủ tướng bức tem bưu chính "Đại tướng Võ Nguyên Giáp" nhân kỷ niệm 106 năm ngày sinh Đại tướng. Ảnh. VGP
“Câu hỏi đặt ra đối với cán bộ chúng ta là đã làm gì cho người dân. Người dân có tin chúng ta không và chúng ta tiếp tục phải làm gì để lo cho người dân”, Thủ tướng lưu ý với các cán bộ xã Đức Trạch.
Sáng 25/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Đại tướng Võ Nguyên Giáp (1911 – 2013)” do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức đúng dịp kỷ niệm 106 năm Ngày sinh Đại tướng (25/8/1911-25/8/2017). Cũng trong chuyến công tác tại Quảng Bình, Thủ tướng đã đến thăm các bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Đích (sinh năm 1917), có 2 con là liệt sĩ và mẹ Nguyễn Thị Cúc, có chồng và con là liệt sĩ.