Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Bình: Cựu binh 10 năm âm thầm chăm lo gần 3.000 mộ liệt sĩ

Không kể ngày lễ hay ngày thường, bất cứ có đoàn hay người thân nhân nào đến viếng tại nghĩa trang Ba Dốc (Quảng Bình), là ông Lê Quang Trung đều đón tiếp chu đáo.

Nghĩa trang Ba Dốc tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình

 

Như nhà thơ Hoàng Minh Tuấn viết về “Ký ức tháng 7”; Tháng bảy ơi sao trời oi nồng thế/ Mây chẳng về nên trống vắng cơn mưa/ Đêm giờ này, liệu em đã ngủ chưa?/ Hay thao thức, như ngày xưa chờ đợi!... Vậy nên, cứ đến những ngày tháng 7, công việc của ông Lê Quang Trung 52 tuổi người quản trang tại nghĩa trang Ba Dốc trở nên bận rộn hơn. Thời điểm này bất cứ đoàn thân nhân nào đến viếng dù sớm khuya, ông Trung đều đón tiếp chu đáo với quan niệm làm việc “ngày không giờ, tuần không thứ”.

Tìm về đây, được người cựu binh này chia sẻ: “Mình làm việc với cái tâm, nên bất kể ai, tôi đều niềm nở, tận tình. Không chỉ vào mùa tri ân này, mà bất cứ ngày tháng hay thời gian nào tôi luôn luôn đón tiếp, tại đây mỗi năm tôi đón tiếp hàng triệu lượt người đến thăm viếng nghĩa trang Ba Dốc này”.

Từng là lính Biên Phòng tỉnh Quảng Bình và đã có nhiều năm cống hiến làm việc tại Đại đội cơ động tỉnh sau khi hoàn thành nhiệm vụ ông đã trở về địa phương làm ăn. Đến năm 2009 với cái duyên được Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình tuyển dụng, ông bất ngờ nhận được lời mời về làm Trưởng ban quản lý Nghĩa trang Ba Dốc. Từ đó người cựu binh này gắn với công việc hương khói từ đó.

Ông Lê Quang Trung chuẩn bị chu đáo để đón tiếp các thân nhân, đoàn... về thắp nhang tri ân các liệt sĩ tại nghĩa trang Ba Dốc

 

Dẫn chúng tôi thăm quanh nghĩa trang Ba Dốc ông Trung chia sẻ - Những năm đầu mới về đây chưa quen nên công việc bộn bề, nên ông ít có dịp về nhà cách nghĩa trang chưa đầy 1km. Hằng ngày ông phải quét dọn, tưới cây cảnh… công việc hầu như không kịp theo đuổi thời gian. Mới đây nghĩa trang Ba Dốc mới được đầu tư nhiều hạng mục, nên công việc mới bớt phần vất vả. Từ xưa, trong trái tim tôi đã mơ ước ngày nào đó có thời gian sẽ tình nguyện đền đáp công ơn của các anh hùng, liệt sĩ nên giờ đây dù khó khăn, vất vả nào tôi cũng phải vượt qua, đó là cách sống của một người lính cụ Hồ.

Theo ông Trung, thì mỗi năm ông thay cát trong ly hương 2 lần. Vào dịp 27/7 và Tết Âm lịch. Những ngày này tôi phải nhờ đến người vợ của tôi vào phụ giúp như; thay cát, lau chùi sạch sẽ các ngôi mộ… Tôi thường nói với vợ tôi, chúng ta xem đây là nghĩa cử dọn dẹp ngôi nhà mới để các liệt sĩ ấm lòng. Ngoài hương khói cho liệt sĩ, ông Trung nhận rất nhiều thư từ hỏi thăm nữa.

Chỉ tay về ngôi mộ của một liệt sĩ Nhật Bản được cất về đây ông Trung nói. Tại Nghĩa trang này có một ngôi mộ liệt sĩ đặc biệt. Đó là ngôi mộ số 1, thuộc hàng mộ 70, lô mộ số 4, với những dòng chữ khắc trên bia mộ: Liệt sĩ Lê Trung, Bác sĩ quân y. Quốc tịch: Nhật Bản. Hy sinh ngày: 1-10-1948.

Sau thời gian dọn dẹp trên các phần mộ liệt sĩ ông Trung tiếp tục các công việc như chăm sóc cây cảnh trong khuôn viên

 

Chia sẻ với phóng viên Báo Dân sinh, ông Trung nói, “10 năm làm quản trang, ông cũng không ít lần chứng kiến nhiều người bức xúc khi không tìm được thân nhân. Với kinh nghiệm nhiều năm trong quân đội tôi quá thấu hiểu tâm trạng của họ, những lúc thế này tôi hết sức kiềm chế, từ tốn giải thích cho họ hiểu và giới thiệu đến những nghĩa trang khác tại Quảng Bình và các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị để tiếp tục tìm kiếm”.

Được biết, nghĩa trang Ba Dốc đang có khoảng 3.000 ngôi mộ liệt sĩ an tọa, trong đó có khoảng 1500 ngôi mộ đã có tên tuổi, còn lại là đang vô danh. Hàng năm vào ngày 10-15/5 là tỉnh Quảng Bình tổ chức truy điệu an táng các phần mộ liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại đất nước bạn Lào về với đất mẹ. Ngoài ra hàng năm có hàng chục ngôi mộ tại đây được các người nhà thân nhân xin chuyển về quê để an táng cho gần địa phương.

Ghi nhận của phóng viên, tại nghĩa trang Ba Dốc vào những ngày tháng 7 đón nhiều lượt thân nhân đến thăm viếng, nhân Ngày thương binh liệt sĩ. Tại đây chúng tôi gặp được ông Hồng Phúc đến từ Hà Tĩnh chia sẻ: “Năm nào gia đình cũng vào đây viếng thăm người em và các đồng đội. Nhìn những ngôi mộ sạch đẹp như thế này là chúng tôi yên lòng. Qua đây tôi gửi lời cảm ơn đến người quản trang cũng như lãnh đạo tỉnh Quảng Bình.

Nghĩa trang Ba Dốc được xây dựng từ năm 1990, tọa lạc tại thôn 8 Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, nghĩa trang được xây dựng trong khuôn viên gần 3 ha, có khoảng 3000 ngôi mộ liệt sĩ an nghỉ. Mới đây nghĩa trang mới được tu bổ lại phần khuôn viên, cửa cổng ra vào…