Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Bình: Đưa người lang thang cơ nhỡ vào mái ấm tình thương

(Dân sinh) - UBND tỉnh Quảng Bình vừa ra văn bản tăng cường các biện pháp phòng, chống tình trạng trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi lang thang xin ăn... góp phần đảm bảo an toàn trật tự và an sinh xã hội trên địa bàn.

Quảng Bình: Đưa người lang thang cơ nhỡ vào mái ấm tình thương - Ảnh 1.

Người xin ăn tại phường Đồng Hải, thành Phố Đồng Hới, tính Quảng Bình

Xử lý người đứng đầu để ăn xin hoạt động trên địa bàn

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, mùa mưa bão cận kề, nhiều đơn vị huyện, thị xã, thành phố tại Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp theo tinh thần chỉ đạo chung của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó có việc đưa người lang thang, cơ nhỡ về nhà, nếu chưa xác định được nơi cư trú cần có văn bản chuyển về cơ sở trợ giúp xã hội. Tránh tình trạng xin ăn tại các điểm du lịch, quán ăn… tại các địa phương.

Bên cạnh tổ chức các giải pháp, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức đến gia đình, cá nhân và cộng đồng trong việc quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ, giúp đỡ vật chất, tinh thần đối với trẻ em - người khuyết tật - người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không nơi nương tựa.

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Dân sinh ông Nguyễn Bắc Việt - Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa cho biết, "Huyện đang lên kế hoạch nhằm tuyên truyền tới cá nhân, gia đình, nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn… không lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc người già, trẻ em, người lang thang cơ nhỡ vào việc xin ăn. Khi phát hiện phải vận động những người này để họ tự nguyện trở về gia đình, địa phương, ổn định cuộc sống.

Trung tá Nguyễn Hoàng Minh - Phó trưởng công an huyện Bố Trạch cho biết, Đơn vị sẽ tăng cường công tác quản lý về trật tự trị an, đặc biệt là việc kiểm tra, quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, tạm trú đối với những đối tượng từ nơi khác đến cư trú trên địa bàn…và xử lý nghiêm các chủ nhà nghỉ, nhà trọ cho tạm trú mà không khai báo theo quy định.

Trường hợp đối tượng xin ăn nhiễm Covid-19 thì phải phối hợp ngay với các cơ sở y tế tại địa phương để thực hiện các biện pháp cách ly và điều trị theo quy định - Trung tá Minh cho biết thêm.

Để thành công với khẩu hiệu "không người lang thang cơ nhỡ xin ăn" tĩnh Quảng Bình sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương khi để tái diễn tình trạng người lang thang xin ăn hoặc không hỗ trợ, can thiệp, xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm quyền trẻ em - người khuyết tật - cao tuổi; kịp thời xử lý vi phạm hành chính hoặc chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Quảng Bình: Đưa người lang thang cơ nhỡ vào mái ấm tình thương - Ảnh 2.

Để kiếm miếng cơm qua ngày người đàn ông này thường xuất hiện tại chợ TP. Đồng Hới, tại tỉnh Quảng Bình

Công khai đường dây nóng, tiếp nhận thông tin về người lang thang cơ nhỡ

Quảng Bình chưa phải là nơi có nhiều cụm công nghiệp, công ty, nhà máy lớn… để thu hút nhiều công nhân tập trung làm ăn. Nên người lang cơ nhỡ từ các tỉnh thành khác chưa chọn về đây để hoạt động xin ăn. Nhưng phải có bước đột phá trong việc giải quyết vấn nạn này.

Tuy vậy, Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng cho nhiều điểm du lịch như bãi tắm Nhật Lệ, Động Phong Nha, Động Thiên Đường… vì vậy khách du lịch thập phương sẽ chọn nơi đây là điểm du lịch sáng giá, không chỉ khách trong nước mà sẽ có rất nhiều du khách nước ngoài về đây chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng, đồng thời tìm hiểu thêm nét văn hóa tại đây. Chính vì vậy, việc giải quyết tình trạng xin ăn tại đây nên được quan tâm sớm.

Ông Trịnh Đình Dương - Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình cho biết: Đơn vị đã gửi văn bản chỉ đạo tới các phòng ban thuộc huyện, thị xã, thành phố. Đồng thời công khai số đường dây nóng 18009293 để tiếp nhận phản tình trạng người lang thang cơ nhỡ, xin ăn. Nếu trường hợp nào không có nơi cư trú đơn vị địa phương báo cáo Sở ra xét đem về trung tâm bảo trợ.

Nói về việc này bà Thuận một giáo viên về hưu chia sẻ: "Tôi rất ủng hộ quyết định của UBND tỉnh nhà, việc giải quyết tình trạng xin ăn phải làm được từ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức; Lồng ghép thực hiện chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội; tăng cường công tác quản lý, đăng ký nhân khẩu, hộ khẩu".

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang phát triển toàn diện, mong rằng những bất cập trên sớm được các cơ quan chức năng và cộng đồng quan tâm tháo gỡ, để không còn người lang thang cơ nhỡ sống cảnh lang thang, nay đây mai đó.