Những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp giảm nghèo. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng ở nông thôn, nhất là các xã nghèo, được đầu tư khang trang; đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng khó không ngừng được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm đáng kể.
Giảm nghèo và GQVL là một trong hai Chương trình trọng điểm của tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn 2016 - 2020 và trở thành nhiệm vụ, mục tiêu ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp. Việc thực hiện Chương trình này luôn gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển KTXH trọng tâm, trọng điểm khác. Đến nay, các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, đời sống của người nghèo và hạ tầng vùng nghèo được cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,12%/năm (đạt 106% kế hoạch).
Trong giai đoạn, tổng kinh phí thực hiện CTMT QG giảm nghèo: 740,099 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 677,464 tỷ đồng (vốn ĐTPT 426,719 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 206,583 tỷ đồng), ngân sách tỉnh: 15,400 tỷ đồng, nguồn huy động: 22,608 tỷ đồng, vốn người dân đóng góp (quy đổi) là 12,844 tỷ đồng, vốn lồng ghép, vốn khác: 11,483 tỷ đồng. Trong đó, thực hiện Chương trình 30a, nguồn NSTW phân bổ 337,251 tỷ đồng (vốn ĐTPT: 238,567 tỷ đồng; vốn SN là 98,594 tỷ đồng), nguồn địa phương 0,66 tỷ đồng và nguồn huy động: 22,608 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2019, huyện nghèo Minh Hóa và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo đã đầu tư 257 công trình, với số tiền 189,249 tỷ đồng.
Các Tổng công ty đã đầu tư xây dựng và lồng ghép thực hiện 19 công trình, dự án (gồm 16 trường học, hỗ trợ làm nhà cho hộ nghèo, hỗ trợ làm nhà ở cho đối tượng chính sách, mua sắm xe cứu thương, xây Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm GDNN huyện). Hỗ trợ 66,969 tỷ đồng phát triển sản xuất với 200 dự án, mô hình giảm nghèo. Riêng nguồn kinh phí cấp cho Tiểu DA4 - Hỗ trợ cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn vướng mắc về thủ tục văn bản hướng dẫn nên tỉnh chưa thực hiện được.
Chương trình 135. nguồn NSTW phân bổ: 316,989 tỷ đồng (vốn ĐTPT: 188,062 tỷ đồng; vốn SN: 128,927 tỷ đồng; vốn người dân đóng góp 12,844 tỷ đồng, vốn khác: 11,483 tỷ đồng). Từ năm 2016 đến nay, đã đầu tư xây dựng 316 công trình (giao thông: 206 công trình; thủy lợi: 19 công trình; nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa: 34 công trình; y tế: 11 công trình; giáo dục: 37 công trình; nước sinh hoạt: 04 công trình; Chợ: 05 công trình). Duy tu bảo dưỡng 10,702 tỷ đồng cho 183 công trình.
Đến nay, 100% xã đã có đường ôtô đến trung tâm xã; 85,5% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế và 100% trạm y tế có đủ điều kiện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; 80% tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sạch; 90% hộ dân được tiếp cận thông tin. Có 47.017 hộ được hưởng lợi từ 254 dự án, 52 mô hình như bò lai sinh sản, lợn móng cái, hỗ trợ giống cây trồng (lúa, lạc, ngô), phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…; tổ chức 118 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở, với hơn 7.100 lượt người tham gia, góp phần nâng cao nhận thức và kiến thức cho cán bộ cơ sở.
Hỗ trợ PTST, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn các xã ngoài CT 30a và CT 135: Nguồn NSTWW phần boort 7,813 tỷ đồng, NSĐP 9,25 tỷ đồng. Từ năm 2016 đến nay, thực hiện 482 hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất cho 63.692 hộ; 70 mô hình giảm nghèo cho 4.102 hộ hưởng lợi từ các mô hình như: giống gà, giống ngô, lạc, keo, nuôi hươu, bò lai Sind, giống dê cỏ, giống ong nội, ổi Đài Loan, giống dứa, giống tiêu, giống cà gai leo, giống hoa cúc, mít thái, bưởi da xanh, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật; mô hình nuôi cá Lăng chấm thương phẩm, nuôi cua đồng thương phẩm, nuôi lươn đồng không bùn, trồng hoa cúc, trồng cây thanh long ruột đỏ trên đất đồi, trồng nấm… Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống nhân dân.
Những năm trước đây, gia đình ông Đinh Thông ở thôn Roong, xã Hồng Hóa (Minh Hóa – Quảng Bình) luôn trong vòng vây đói nghèo do đông con, thiếu vốn và kỹ thuật sản xuất. Năm 2015, gia đình ông Thông được vay vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ông đầu tư mô hình nuôi cá diêu hồng thương phẩm trên 200m2 ao cá của gia đình. Tham gia mô hình, ông Thông được hỗ trợ vốn để cải tạo ao, mua giống cá và được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá diêu hồng. Nhờ đó, chỉ sau một thời gian thả nuôi, ao cá diêu hồng của ông Thông đã cho thu hoạch với nguồn thu nhập khá, ổn định.
"Nhiều năm qua, gia đình tôi loay hoay không biết cách gì để thoát khỏi cái nghèo ở vùng đất cằn cỗi này. Mấy năm trước, tôi nhờ anh em, bạn bè đào được cái ao cá, nhưng do không có kỹ thuật nên thả cá không lớn, thu hoạch không được bao nhiêu. Năm 2015, nhờ vay được nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cùng với sự hỗ trợ của cán bộ huyện Minh Hoá, gia đình tôi đầu tư giống cá diêu hồng và nuôi cá thương phẩm, đến bây giờ, nhờ nuôi cá và chăn nuôi, trồng trọt thêm các giống cây con khác, gia đình tôi đã có "của ăn, của để", đã thoát được cảnh đói nghèo đeo đẳng bao năm qua" - ông Thông phấn khởi chia sẻ.
Được biết tỉnh Quảng Bình đã quan tâm và nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình cho cán bộ, tổ chức 07 lớp tập huấn NCNL cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp để tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản mới về giảm nghèo; tổ chức 02 hội nghị đối thoại chính sách về giảm nghèo để người dân hiểu rõ hơn các chính sách giảm nghèo, từ đó nâng cao ý thức, tự nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, rà soát việc thực hiện chính sách, dự án về giảm nghèo và thực trạng công tác giảm nghèo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chấn chỉnh những hạn chế của địa phương, cơ sở nhằm thực hiện tốt hơn Chương trình trong thời gian tiếp theo.
Gíam đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tỉnh Quảng Bình đã ban hành Chương trình hành động "Giảm nghèo bền vững, đào tạo nghề, tạo việc làm", giai đoạn 2016-2020, với mục tiêu cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các xã nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin, vốn vay ưu đãi); tăng cường đầu tư để nâng cao chất lượng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội."
"Sau gần 5 năm thực hiện Chương trình, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 28.391 hộ thoát nghèo, 1.415 hộ tái nghèo, 5.286 hộ phát sinh nghèo, đưa hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 34.083 hộ, chiếm 14,42% đầu năm 2016 xuống còn 12.393 hộ, chiếm 4,98% cuối năm 2019 (giảm 21.690 hộ nghèo, tương đương 9,44%, bình quân mỗi năm giảm 2,36%), trong đó, đồng bào dân tộc giảm được 722 hộ nghèo. Có 39.250 hộ thoát cận nghèo, 5.295 hộ tái cận nghèo, 20.709 hộ phát sinh cận nghèo, đưa hộ cận nghèo toàn tỉnh giảm từ 29.859 hộ, chiếm 12,64% đầu năm 2016 xuống còn 16.613 hộ, chiếm 6,67% cuối năm 2019 (giảm 13.246 hộ cận nghèo, tương đương 5,97%, bình quân mỗi năm giảm 1,5%). Giảm 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo từ 50% trở lên, đến nay còn 04 xã; có 07 xã, 03 thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, đạt xã NTM" - ông Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
"Nhằm hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án giảm nghèo. Đó là: Huy động mọi nguồn lực như nguồn vốn, lao động, hỗ trợ sản xuất và phát triển ngành nghề trong công tác giảm nghèo; chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, hiệu quả nhằm đa dạng hóa thu nhập; phát triển kinh tế trang trại… Ngoài ra, hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho người nghèo gắn với việc làm; cung cấp dịch vụ khuyến nông - lâm - ngư miễn phí cho người nghèo làm nông nghiệp; tăng cường công tác nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ XĐGN và cán bộ ở các xã nghèo; phát triển thị trường lao động, động viên người lao động tự tạo việc làm; khuyến khích nhà đầu tư phát triển vào nông nghiệp để tạo thêm việc làm mới cho người dân địa phương; tích cực tham gia thị trường lao động trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu lao động; kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo nghề và chủ động giải quyết việc làm. Trong đó, tập trung ưu tiên các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo đối với vùng đồng bào DTTS; chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động tự vươn lên thoát nghèo của người dân, vận động để thay đổi suy nghĩ, cách làm, thói quen của bà con dân tộc thiểu số theo hướng ‘‘bắt tay, chỉ việc’’ giúp họ tự tổ chức sản xuất, ổn định cuộc sống" – Giám đốc Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.