Hợp tác xã (HTX) Sản xuất kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy (TX. Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình) được thành lập vào năm 2018 với 8 thành viên. HTX chuyên sản xuất đũa gỗ và các loại đũa cao cấp phục vụ các thị trường lớn tại Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Hiện, HTX đang sản xuất gần 20 loại đũa, gồm: 6 loại đũa bình dân (giá từ 40.000-50.000 đồng/gói) và 14 loại đũa cao cấp (giá từ 400.000-600.000 đồng/hộp). Mỗi năm, HTX bán ra thị trường hơn 13 triệu đôi đũa, cho thu nhập ổn định hơn 500 triệu đồng. Hiện, HTX đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 20 lao động và hỗ trợ gia công tại nhà cho 30 lao động tại địa phương.
Anh Lê Thanh Triển, Giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy cho biết, từ khi được thành lập cho đến nay, HTX đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, như: Thiếu vốn để mua sắm trang thiết bị, xây dựng nhà xưởng, mua nguyên liệu. Năm 2018, anh Triển được Phòng giao dịch NHCSXH TX. Ba Đồn tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng từ gói vay GQVL để mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất. Thời gian sau đó, HTX tiếp tục được tạo điều kiện cho vay nhiều gói vay khác để phát triển sản xuất, mở rộng quy mô nhà xưởng với số vốn gần 600 triệu đồng.
“Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn thị xã đều gặp khó khăn. HTX rất mong muốn tiếp tục được NHCSXH hỗ trợ tiếp cận các gói vay ưu đãi để khôi phục sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương”, anh Triển chia sẻ.
‘Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng giao dịch NHCSXH TX. Ba Đồn, tôi đã đầu tư xây dựng chuồng trại, mua con giống để phát triển mô hình chăn nuôi. Hiện tại, gia đình tôi đang nuôi 5 con lợn nái, 20 con gà nòi, 2 con bò. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 3-4 lứa lợn, gà...cho thu nhập ổn định gần 80 triệu đồng/năm”, chị Nguyễn Thị Xuân, tổ dân phố Tiền Phong, phường Quảng Long chia sẻ.
Chương trình cho vay GQVL được NHCSXH TX. Ba Đồn triển khai từ năm 2003, với mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và 100 triệu đồng đối với hộ gia đình. Đối tượng cho vay chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình có mục đích sản xuất, kinh doanh rõ ràng, có dự án vay vốn khả thi, đem lại hiệu quả kinh tế và có khả năng GQVL cho nhiều lao động nông thôn. Lãi suất cho vay là 7,92%/năm, thời hạn cho vay tối đa 120 tháng.
Ông Lê Quang Ngọ, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TX. Ba Đồn cho biết, để nguồn vốn chương trình cho vay GQVL phát huy hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với các cấp hội, đoàn thể trên địa bàn làm tốt công tác bình xét cho vay bảo đảm đúng đối tượng, sử dụng vốn vay đúng mục đích. Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này, nhiều hộ gia đình trên địa bàn thị xã đã vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Xác định vốn vay GQVL là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để thúc đẩy phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững, thời gian tới, Phòng giao dịch NHCSXH TX. Ba Đồn tiếp tục phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội giải ngân cho vay đúng đối tượng, tạo điều kiện cho các hộ gia đình mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Nguồn vốn GQVL từ Phòng giao dịch NHCSXH TX. Ba Đồn đã góp phần khôi phục các ngành nghề truyền thống, hỗ trợ vốn cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình mở rộng sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động. Hiện tại, tổng dư nợ chương trình cho vay GQVL trên địa bàn TX. Ba Đồn là hơn 27,4 tỷ đồng, với 557 khách hàng vay vốn. Từ đầu năm 2021 đến nay, có 280 khách hàng vay vốn với số tiền 14,9 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 300 lao động.
Còn tại huyện Quảng Ninh, theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Quảng Ninh, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2021, tổng nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm của địa phương là 35.205 triệu đồng, trong đó nguồn vốn cho vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm 11.334 triệu đồng; nguồn vốn do ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua Ngân hàng CSXH 9.771 triệu đồng; nguồn vốn huy động của Ngân hàng CSXH 14.100 triệu đồng. Doanh số cho vay từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia về việc làm là 27.547 triệu đồng với 3.195 dự án được vay vốn. Tổng dư nợ đến 30/06/2021 là 11.273 triệu đồng, số vốn tồn đọng 61 triệu đồng. Riêng số lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đối với nữ là 2.341 lao động.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 và thiên tai lũ lụt, nhưng các cấp, ngành vẫn nỗ lực tập trung các biện pháp tháo gỡ khó khăn. Thông qua nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư của huyện đã lồng ghép được các chương trình tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn tới người dân cách thức làm ăn. Các hộ nghèo được nâng cao nhận thức, từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết phát huy nội lực, tự vươn lên trong sản xuất kinh doanh để tạo thu nhập nhằm xóa đói giảm nghèo.
Bên cạnh đó, hiệu quả cho vay vốn đầu tư của Ngân hàng CSXH cũng đã khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh tạo mở việc làm, thu hút thêm lao động vào làm việc, phát triển sản xuất tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi, trồng trọt những cây con có giá trị kinh tế cao, phát triển ngành nghề mới, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu sản xuất, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn theo hướng tích cực. Vốn vay góp phần phát triển sản xuất, tạo nhiều chỗ làm việc, tăng thu nhập cho người lao động. Có hàng nghìn hộ dân đã có điều kiện xây dựng các mô hình kinh tế. Nhiều hộ từ xuất phát điểm hộ nghèo, sản xuất nhỏ lẻ đã phát triển, mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể thấy, đồng vốn đã được Nhân dân sử dụng đúng mục đích có hiệu quả, nhờ đó tỷ lệ thu hồi vốn đến hạn trả đạt cao, tỷ lệ rủi ro thấp, vốn trả đúng hạn đạt tỷ lệ cao