Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quảng Bình: Thư viện miễn phí của chàng trai bị liệt nửa người

Mặc dù bị liệt nửa người do tai nạn lao động nhưng anh Mai Tư Khoa vẫn không khuất phục trước số phận, vượt qua sự mặc cảm để sống những ngày tháng có ý nghĩa cho bản thân và những mảnh đời bất hạnh, với anh “còn sức thì anh sẽ còn làm từ thiện”.

 

Mai Tư Khoa (SN 1979) là anh cả trong một gia đình có 3 anh em tại thôn Đông Phúc, xã Quảng Trường, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Khi vừa tròn 19 tuổi, Khoa xin vào làm việc tại một nhà máy xi măng đóng trên địa bàn xã.

Tưởng chừng như có được công việc tại nhà máy xi măng sẽ là tiền đề để chàng trai trẻ Mai Tư Khoa xây dựng sự nghiệp, thế nhưng nghiệt ngã thay, một vụ tai nạn tại mỏ đá vào tháng 6/1998 đã biến anh trở thành một người tàn phế.

 

Với Mai Tư Khoa, mẹ là người đồng hành giúp anh vượt qua mọi nghịch cảnh trong cuộc sống.

“Nó bị tai nạn khi đang làm việc tại mỏ đá, vào thời điểm đó vợ chồng tui đã cố vay mượn đưa con đi khắp nơi để cố cứu lấy đôi chân nhưng không được. Đang khỏe mạnh bỗng trở thành tàn phế khiến Khoa suy sụp lắm, đã có những lúc tui sợ nó nghĩ quẩn phải cất hết những đồ dùng nguy hiểm và thường xuyên ở bên cạnh để trông chừng cũng như an ủi con”, bà Nguyễn Thị Ngành, mẹ anh Khoa nhớ lại.

Trong thời gian vật lộn với bệnh tật, Khoa chỉ biết làm bạn những cuốn sách, radio rồi tivi và sau này là điện thoại, máy tính. Cũng nhờ xem tivi, nghe đài, anh nhận ra rằng, cuộc sống này còn có rất nhiều người có số phận như mình, trong đó có những người dù mang trọng bệnh nhưng vẫn nỗ lực vươn lên để sống có ích.

Và rồi Khoa tự nhủ phải sống thật ý nghĩa, tìm lại niềm vui cho bản thân, cho gia đình và cả những người xung quanh. Sau nhiều năm ấp ủ, vào năm 2010 bằng những sách báo anh có, cùng với số tiền tích góp được, Khoa đã biến căn phòng của mình thành thư viện tại gia miễn phí cho trẻ em nghèo, mỗi ngày thu hút hàng chục em học sinh đến đọc và mượn sách, nhất là vào những ngày hè.

 


Với tấm lòng dành cho các học sinh nghèo tại địa phương, Khoa đã quyên góp tiền, sách báo cũ để xây dựng 1 thư viện mini ngay tại nhà và 10 tủ sách khác tại trường tiểu học và THCS Quảng Trường.

Với tấm lòng dành cho các học sinh nghèo tại địa phương, Khoa đã quyên góp tiền, sách báo cũ để xây dựng 1 thư viện mini ngay tại nhà và 10 tủ sách khác tại trường tiểu học và THCS Quảng Trường.

 

Khi thư viện mini được nhiều em học sinh biết và tìm đến mượn sách, Khoa đã rất vui mừng và quyết tâm sẽ tiếp tục mở rộng mô hình để có được nhiều sách hơn, có thể giúp đỡ được các em nhiều hơn.

Từ suy nghĩ đó, Khoa miệt mài lên mạng tìm hiểu, kêu gọi sự giúp đỡ và tấm lòng của người đàn ông tàn tật đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân khắp mọi miền đất nước. Họ gửi sách và cả tiền để anh thực hiện ước nguyện của mình, nhờ vậy Mai Tư Khoa đã có được thêm 10 tủ sách để đặt tại các lớp học của Trường Tiểu học và THCS Quảng Trường cho học sinh mượn.

Sau khi xây dựng được thư viện sách cho học sinh nghèo, Khoa nhận ra rằng, với sức lực của mình, anh còn có thể làm được nhiều điều có ích hơn nữa cho cuộc sống này, với mục tiêu “tàn nhưng không phế”, Khoa lên mạng xã hội tiếp tục kêu gọi, quyên góp tiền và vật chất để hỗ trợ các em học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

 

Những cô cậu học trò mải mê với những cuốn sách từ thư viện của người đàn ông tàn tật Mai Văn Khoa.

Từ năm học 2013 đến nay, từ nguồn quyên góp được, năm nào vào dịp khai giảng năm học mới, Khoa cũng hỗ trợ học phí, sách vở và quần áo cho học sinh nghèo và học sinh khuyết tật ở các trường học tại địa phương. Trong năm 2016 vừa qua, anh cũng đã quyên góp hỗ trợ đồng bào lũ lụt, học sinh khó khăn khoảng 150 triệu đồng bao gồm cả tiền mặt lẫn vật chất.

“Mình xem tivi, đọc báo và nhận thấy còn rất nhiều người như mình và họ đã làm được những điều rất phi thường, rất ý nghĩa, và mình cũng lấy đó làm tấm gương để vươn lên. Mỗi khi mang đến niềm vui cho học sinh nghèo hay các hoàn cảnh khó khăn, mình vui lắm, mình nhận ra rằng đó mới là điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời và tự nhủ với bản thân rằng, còn sức thì sẽ còn tiếp tục làm từ thiện”, anh Khoa tâm sự.

 

Với Khoa, khi còn sức anh sẽ còn làm từ thiện, anh cũng đã đồng ý hiến xác cho y học khi qua đời

Dù bị khuyết tật, không còn có thể bước đi trên chính đôi chân của mình, phải chịu đau đớn những ngày trái gió trở trời, nhưng với tấm lòng nhân hậu, Mai Tư Khoa đã giúp đỡ được cho rất nhiều cảnh đời bất hạnh. Và hơn thế nữa anh còn đăng ký hiến xác cho y học khi từ giã cõi trần.

“Mình hay theo dõi báo chí, tivi và biết được những câu chuyện hiến tạng để cứu người, hiến thân thể sau khi chết để nghiên cứu y học, mình thấy rằng đây là một việc làm rất thiết thực và ý nghĩa, cũng từ đó mình đã quyết định đăng ký hiến xác cho y học khi qua đời”, anh Khoa cho biết thêm.

Vượt qua số phận, sự tuyệt vọng để sống một cách đầy ý nghĩa, cứ như thế, Mai Tư Khoa đã biến những tháng ngày tưởng chừng như chỉ có đau đớn thành niềm vui. Khoa cũng rất mong muốn trong thời gian tới sẽ được các mạnh thường quân khắp mọi miền đất nước sẽ tiếp tục đồng hành để anh có thể giúp đỡ nhiều học sinh nghèo hơn, mang nhiều hơn nữa hơi ấm tình thương đến với nhiều số phận kém may mắn…