Ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình cho biết: Trên địa bàn hiện có 100% xã, phường, thị trấn đã bố trí cán bộ làm công tác trẻ em; 95% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc dưới các hình thức khác nhau. Đặc biệt năm 2021, công tác bảo vệ trẻ em (BVCSTE) được các cấp, ngành liên quan thực hiện trên cả 3 cấp độ: Phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp.
Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức các hội nghị truyền thông về trợ giúp pháp lý tại các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh nhằm bảo đảm sự tiếp cận thông tin về trợ giúp pháp lý cho cha mẹ, trẻ em và người chăm sóc trẻ em; đăng ký khai sinh cho 19.000 trẻ em; giải quyết cho nhận nuôi con nuôi trong nước cho 15 trường hợp, không có trường hợp bị thu hồi, hủy bỏ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội thuộc Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình cũng đã tiếp nhận 5 đối tượng trẻ em vào nuôi dưỡng. Đồng thời tiếp nhận, tư vấn cho 52 trẻ em qua đường dây nóng 1800 9293; hỗ trợ, can thiệp, tư vấn tâm lý kịp thời cho 13 trường hợp trẻ em bị tổn hại nghiêm trọng về thể chất và tinh thần do bị bỏ rơi, xâm hại, bạo lực, trẻ em mồ côi...
Theo bà Trần Thị Mỹ, Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Bình thì từ đầu năm 2022 đến nay, trung tâm tập trung cho công tác chăm sóc trẻ em trong mùa dịch, tăng cường nguồn dinh dưỡng trong ăn uống, thực hiện tốt "5K" và hỗ trợ các em khi bị F0; các chương trình bảo vệ và thực hiện đường dây nóng được duy tr hỗ trợ kịp thời khi có các sự cố xảy ra.
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Bình, với vai trò là tổ chức hội luôn bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, đã triển khai nhiều hoạt động chăm sóc phụ nữ, trẻ em.
Cụ thể, năm 2021, hội đã tổ chức 5 lớp tập huấn cho 235 giảng viên là cán bộ hội và giáo viên các trường tiểu học và THCS về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho trẻ em gái; tổ chức 20 cuộc truyền thông cho 1.400 lượt phụ huynh và trẻ em gái; 6 lớp tập huấn cho 240 học sinh tiểu học và THCS về các hoạt động của Dự án “Tự tin là chính mình”; triển khai 36 lớp tập huấn hướng dẫn các kỹ năng tự bảo vệ để bảo đảm an toàn cho phụ nữ, trẻ em và thực hiện 96 cuộc truyền thông về phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục trẻ em, hạn chế tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống...
Bà Diệp Thị Minh Quyết, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Đầu năm 2022, hội đã kịp thời triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu-Kết nối yêu thương” kêu gọi hỗ trợ từ các nhà hảo tâm và đã nhận được 9,1 tỷ đồng hỗ trợ...
Theo báo cáo từ Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình, năm 2021, địa phương này đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 192 trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; trợ cấp cho 1.718 trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo; nhận chăm sóc 99 trẻ em tại cộng đồng và 20 trẻ bị khuyết tật nặng. Thông qua kết nối của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, nhiều trẻ em bất hạnh trên địa bàn đã được các nhà hảo tâm hỗ trợ vượt qua khó khăn. Trong đó, tổ chức ZhiShan Foundation Taiwan đã cấp học bổng cho hơn 788 trẻ em; xây dựng mới 2 thư viện thân thiện và hỗ trợ các hoạt động đọc sách cho 38 trường với tổng kinh phí trên 2,2 tỷ đồng.
Đồng thời với sự kết nối từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, nhiều hoạt động từ thiện đã được thực hiện cho trẻ em Quảng Bình, như: Trao học bổng, tặng xe đạp, hợp đồng bảo hiểm… với tổng trị giá 1,21 tỷ đồng.
Ngành Y tế Quảng Bình cũng đã không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của trẻ em. Cụ thể năm 2021, ngành Y tế Quảng Bình đã khám, xét nghiệm sàng lọc bệnh tan máu bẩm sinh cho 367 trẻ vị thành niên tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, xã Dân Hóa, Hóa Sơn, huyện Minh Hóa; cấp phát 2.740 tài liệu, cẩm nang truyền thông về chủ đề sức khỏe sinh sản cho trẻ tuổi vị thành niên; thực hiện thường xuyên chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ, tiêm vaccine viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám, chữa bệnh và cấp thẻ BHYT miễn phí; gần 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng...