Mô hình "đi chợ hộ" giúp dân ban đầu đã mang lại hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, được người dân xã Thanh Trạch đón nhận và đồng tình hưởng ứng. Xã Thanh Trạch có chợ Thanh Hà đóng tại thôn Thanh Khê được xem như một trong những chợ đầu mối lớn khu vực cảng Gianh, nhưng đã trở thành ổ dịch lây lan trong cộng đồng từ các hộ tiểu thương bán cá nên chợ đã đóng cửa từ nhiều ngày qua.
Ngoài chợ đầu mối, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, bách hóa, trang trại… tại khu vực xã này cũng phải đóng cửa để phòng chống dịch theo quy định.
Trước khó khăn chung, chính quyền địa phương đã sớm có chủ trương “đưa chợ về tận gia đình".
Chị Nguyễn Thị Hồng Loan ở thôn 6 xã Thanh Trạch chia sẻ: "Khi dịch bùng phát gia đình đã có mua được một ít thực phẩm dự trữ, nhưng đến nay tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên đã cạn kiệt thực phẩm và mặt hàng sử dụng trong gia đình. Những ngày qua địa phương đã có mô hình "đi chợ hộ" chúng tôi rất yên tâm ở nhà ".
Anh Lê Chiêu Quảng trú thôn Thanh Khê cho biết: Gia đình nằm ở khu vực trung tâm mua sắm. Nhưng để đảm bảo an toàn cho mình cũng như toàn xã hội, gia đình tôi không ra khỏi nhà khi không có việc cần thiết. Với khẩu hiệu chống địch nhưng đảm bảo nhu cầu sinh hoạt cho người dân, xã nhà đã triển khai mô hình "đi chợ hộ" rất kịp thời, tôi thấy mô hình này là rất cần thiết nó cũng là một cách để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng.
Việc đặt hàng online bị gián đoạn, hoặc nhiều người lớn tuổi, người không có điện thoại thông minh sẽ khó khăn trong việc đi chợ online, xã đã thông báo qua loa truyền thanh để hướng dẫn người dân liên hệ với trưởng thôn hoạc đoàn tình nguyện của xã để họ đến nhà lấy đơn rồi đi mua đồ (đầy đủ các mặt hàng nhu yếu phẩm). Như vậy người dân yên tâm thực hiện đúng yêu cầu trong thời gian giãn cách.
Ông Nguyễn Trí Tuệ, Phó chủ tịch xã Thanh Trạch cho biết: Để đảm bảo phòng dịch xã đã thành lập bộ phận cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho nhân dân gồm: ông Nguyễn Trí Tuệ, PCT xã - trưởng bộ phận; bà Hoàng Thị Thu Dung, cán bộ văn hóa - phó bộ phận; bà Lưu Thị Uých công chức văn phòng thống - kê bộ phận; bà Nguyễn Thị Thương Thương công chức Tư pháp - thành viên; ông Lưu Văn Thuấn PBT đoàn - thành viên.
Nhiệm vụ là rà soát điểm bán hàng, chủ động phối hợp để đánh giá khả năng số lượng hàng hóa cung cấp, tần suất hoạt động để đảm bảo mặt hàng đến điểm chốt. Việc triển khai hỗ trợ người dân chỉ đạo tổ hỗ trợ Covid cộng đồng tình nguyện viên thôn…
Về các mặt hàng như rau củ quả, và các mặt hàng nhu yếu phẩm khác tổ sẻ lấy tại siêu thị Bình Minh; thịt gà, vịt, ngan trang trại anh Tùng thôn Quyết Thắng; nông sản đại lý bà Xuân thôn Quyết Thắng; hải sản Khu hậu cần nghề cá Việt Trung; cá tươi chủ hồ anh Huỳnh thôn Quyết Thắng… Các mặt hàng tổ yêu cầu chủ đơn vị niêm yết giá kèm theo.
Để đảm bảo công tác vận chuyển, xã yêu cầu các tình nguyện viên phải đảm bảo 5K. Các mặt hàng nhu yếu phẩm được gom về tại trụ sở UBND xã rồi mới phân bố về từng thôn và đem tới từng gia đình.
Tình nguyện viên Khánh Hiền nói, “Dù mới hoạt động ngày thứ 4 nhưng người dân phấn khởi đón nhận mô hình này. Chính quyền rất vui và có thêm động lực để giúp dân và cùng chiến thắng dịch bệnh”.
Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng “đi chợ thay dân”, mô hình này còn là nơi tiêu thụ trực tiếp nông sản và rau xanh của người dân sản xuất ở địa phương.