Mưa lớn kéo dài, ngập lụt trên diện rộng đã khiến 7 người chết, 33 người bị thương, thiệt hại trên 823ha lúa, 3.696 ha hoa màu, hơn 244 gia súc, 6.691 gia cầm bị chết. Nhiều diện tích ruộng lúa bị sạt lở, bồi lấp, trôi rửa. Người dân phải đối mặt với tình trạng “cát hóa” khi những cánh đồng vốn đầy phù sa đã bị cát phủ trắng xóa như chưa từng có ai khai hoang.
Với người Trung bộ thường có câu “ông tha mà bà chẳng tha, hành cho cái lụt hai ba tháng mười”, quy luật “bất thành văn” này đã bị phá vỡ, người già trong làng quê ở Đại Lộc nói rằng, hơn 70 năm qua, đây là lần đầu tiên qua 23-10 âm lịch mà vẫn còn lụt mà còn lụt bất ngờ, người nông dân trở tay không kịp. Các vùng huyện Đại Lộc được bao vây bởi 2 con sông Thu Bồn, Vu Gia, các khu vùng B như Đại Cường, Đại Lãnh, Đại Hưng,…thiệt hại nặng nề.
Mất trắng sau mưa lũ.ảnh:H.T
Tại thôn Phước Yên, xã Đại An, gần 50ha đất sản xuất ở vùng mà chỉ còn 1 tháng nữa là thu hoạch, những vựa bí đao, đậu tây,…bị lũ cuốn trôi tan tành. Làng Phước Yên có 214 hộ, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, người dân xuống giống bình quân mất 15 triệu/hộ, vậy mà nay mất trắng. Nhiều người lâm vào cảnh nợ nần, nghèo nàn vì không còn tiền để cải tạo, mua giống mới trong khi lịch thời vụ đã trễ.
Toàn thôn có 8 hộ nghèo, hơn 20 hộ cận nghèo, đến giờ các hộ này thành tay trắng, thậm chí ông Nguyễn Hữu Nhàn, trưởng thôn Phước Yên, cho biết: “nếu không có sự giúp đỡ nào, sẽ có ít nhất thêm 10 hộ bị “rớt” xuống hộ nghèo trong năm 2017 tới”.
Bà Tân trong căn nhà cũ.ảnh:H.T
Ông Trần Minh Định, 76 tuổi, thôn Phước Yên, cùng vợ, bà Chín thuộc hộ cận nghèo, ông Định cho biết, gia cảnh có hai ông bà già làm mảnh đất nhỏ, gieo 2,5 sào ớt, chưa kịp thu hoạch đã mất trắng. Ông nói: “Vay mượn người thân, họ hàng để làm sào ớt, nghĩ tết bán có giá để ăn tết vui vẻ, nhưng giờ không còn giống, không còn tiền để làm đất. Thân già chẳng thể thuê ai làm nổi nữa!”. Tương tự, bà Phan Thị Tân, 62 tuổi, thôn Phước Yên, sống neo đơn, bà thuộc diện cận nghèo, lũ vừa rồi bà mất trắng 2 sào bắp, 1 sào ớt. Bà nói: “Giờ bỏ vốn ra thì lớn quá, vay đâu cũng khó nên tôi chẳng làm nữa”.
“Sau lũ người dân trong vùng nợ cần cả triệu bạc, vay nhiều năm nay, nợ dồn lại, người dân muốn xuống vụ phải chạy quanh mượn”-Trưởng thôn nói. Người dân ở vùng sợ rằng sẽ lại nghèo nếu không có những hỗ trợ, và ông Nhàn hiện nay vẫn đang kêu gọi các tấm lòng giúp đỡ bà con vượt qua khó khăn.
Trong khi đó, những gia đình có người thân thiệt mạng, bị thương sau mưa lũ cũng mất đi một trụ cột kinh tế, chuyện ông Trần Văn Hùng, 49 tuổi, trú xã Đại Cường, huyện Đại Lộc) trong lúc loay hoay bế heo chạy lũ vì chuồng heo bị ngập sâu, ông bị điện giật chết. Ông Hùng là trụ cột kinh tế, ông ra đi bỏ lại người vợ và các con. Những em học trò qua sông bị nước cuốn, những người đàn ông ở độ tuổi 26, 27 nhường áo phao cho người nhà trong lúc chèo thuyền về bị lật thuyền cuốn trôi.
Mưa lũ đã khiến cho người dân Quảng Nam chịu nhiều thiệt hại về người và của. Người dân sau mỗi đợt lũ lại xuống giống, qua 2 lần xuống đến nay nợ cũ chưa trả, nợ mới vội đến. Họ đang đối diện với nguy cơ nghèo và mất mát to lớn.