Làng chài Tĩnh Thủy, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam nằm sát bờ biển, bao nhiêu năm qua, người dân làng biển vẫn giữ gìn những nét văn hóa từ thưở khai hoang lập nghiệp vùng đất này. Ông Nguyễn Như Khiết, Trưởng thôn Tĩnh Thủy, là một “cuốn sử” nhỏ, ông rõ từng con đường, ngôi mộ trên vùng đất này. Ông nói rằng, ít có nơi nào như ở Tĩnh Thủy, người dân thờ chung tổ tiên, uống chung giếng nước, …Làng Tĩnh Thủy thành lập hồi thế kỷ 16, thời Hậu Lê, nơi đây vẫn còn là vùng hoang vu, gò, ngoài biển trong sông, nên gọi là “Gò Rú”. Khi tổ tiên quyết định an cư lập nghiệp ở miền này đã nghĩ kế đào giếng uống. Giếng này về sau gọi là Giếng Bộng, giếng nằm gần sông, nguồn nước mạch ngọt trong lành. Dân làng truyền tai nhau rồi thuyền chài đi qua đây lại ghé đến lấy nước uống.
Hiện nay, giếng vẫn còn nguyên vẹn và được người dân xây xi măng giữ cẩn thận, tuy nhiên không ai còn sử dụng. Đường kính giếng 4 mét, sâu 6 mét, sử dụng đá ong để xây thành giếng. Ông Khiết cho biết, hằng năm vào dịp khai biển đầu năm, người dân trong làng lại thực hiện nghi lễ dọn sạch giếng để nước dưới ngầm đất nhĩ ra nước mới. “Mùng 7 tháng giêng hằng năm làm lễ Khánh Hạ, làng chuẩn bị hương đèn, mâm quả để cúng lễ giếng Bộng, dân làng tin rằng, nước mới từ giếng sẽ giúp chuyến biển may mắn, đầy lộc. Ngay cả khi xưa, khi ngư dân đi biển ít tôm cá, đói kém cũng thực hiện nghi lễ này để cầu may mắn”-Ông nói.
Giếng nước xưa Tĩnh Thủy. ảnh: H.T
Nhớ công ơn tổ tiên lập nghiệp, người dân lập Nhà thờ tổ tiên, thờ chung cả làng họ. Làng có 15 họ và 47 chủ phái tộc. Người dân làng luôn thực hiện nghi lễ cúng đầu năm ở nhà thờ chung trước khi về cúng ở từng dòng họ. Nhà thờ tổ tiên được xây dựng gần giếng Bộng như một hương ước của làng.
Người làng Tĩnh Thủy còn lập mộ cho những người chết trôi trên biển. Một diện tích đất gần 500m2 được người dân dành riêng thờ 27 vị gọi Lăng Ông sở mộ, thờ những người ngư dân, lái buôn,….chết trôi dạt vào vùng biển Tĩnh Thủy. Nhân dân cùng đồng một tập quán tín ngưỡng tâm linh của vùng sông nước. Ông Khiết kể, hồi xưa, khi có người chết trôi vào, người dân vùng không nhận dạng được, dân làng đem đi cải táng, làng thực hiện cải táng 3 năm như mãn khó cho người chết, sau đó, mới đem xương cốt vô lập mộ cho người này. Ông Khiết nhớ, hồi thời ông nội ông kể lại, có lần đi dọc bãi biển, thấy một cô gái chết trôi vào. Làng đem cải táng, phát hiện trên tay cô gái có một chiếc nhẫn, về sau, đem xương cốt vô mộ chung vẫn chôn chiếc nhẫn theo. “Nhiều người dân ở vùng khác nghe làng có lập mộ chung cho những người chết trôi biển đến tìm nhờ giám định thân nhân, nhưng dân làng không cho” - Ông nói. Hằng năm cứ đến Thanh Minh tháng 3, nhân dân lại cùng nhau cúng Lăng Ông sở mộ. Người dân tự góp tiền xây Lăng Ông và dành mảnh đất nhỏ phía sông thờ cúng.
Làm giàu từ biển
Trưởng thông Tĩnh Thủy, ông Khiết, cho biết, toàn thôn có 291 hộ, 1.120 nhân khẩu, trong đó có hơn 400 ngư dân đánh bắt cá ven bờ và khơi xa. Sản lượng đánh bắt cá hằng năm đến 2.600 tấn. Người dân làng chài còn chế biến cá khô, cá phi lê xuất khẩu. Nghề chế biến cá đã giúp nhiều gia đình làm ăn khá giả, chị Trần Thị Gái, 38 tuổi,thôn Tĩnh Thủy, hơn 5 năm qua, chị làm nghề chế biến cá hố, cá mối khô. Từ tháng 5 đến tháng 8, mùa cá về, chị thuê thêm 4-5 lao động, trung bình mỗi tháng chị thu về 30 triệu/tháng, mỗi lao động tính theo ngày công khoảng 150.000 đồng/ngày. Nhờ đó, chị nuôi ăn học 3 người con, ngoài ra, chồng chị đi bạn thuyền khơi xa. Chị Gái cho biết: “Với giá cá khô 150.000 đồng/kg, người dân làng biển có thể xuất bán nhiều hơn như chợ, quán, và các vùng lân cận”. Tương tự, bà Trần Thị Hường, 68 tuổi, làm nghề cá khô đã 30 năm, mỗi lần trúng mùa cá, bà mua 7-8 tạ cá về chế biến.
Nghề làm cá khô cho thu nhập ổn định.ảnh:H.T
Xã Tam Thanh đến nay có 59 chiếc thuyền, có nhiều thuyền động cơ 6-9CV khai thác kết hợp nhiều loại nghề, thủy sản hằng năm ước đạtk 4000 tấn. Ngoài ra, các ngư dân đi làm biển ở các vùng khác cũng góp phần vào cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với đánh bắt cá trên biển, người dân Tam Thanh làm ao nuôi cá, tôm. Hiện nay, có 35ha ao nuôi được người dân đưa vào nuôi, sản lượng đạt 2,5 tấn/ha/vụ.