Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Nam hỗ trợ tạo việc làm cho lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm

Từ nguồn Quỹ Quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi tạo việc làm, những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, tạo đòn bẩy hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Hầu hết người dân đều đầu tư vào công việc chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh.

Hầu hết người dân đều đầu tư vào công việc chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh.

Được tạo điều kiện vay vốn, chị Phan Thị Tư (huyện Phú Ninh) đầu tư vào công việc chăn nuôi heo để phát triển kinh tế gia đình.

“Có vốn, tôi bắt tay ngay vào công việc. Trung bình mỗi năm tôi nuôi và xuất bán được 3 lứa heo sạch, mỗi lứa khoảng 50 con, trừ mọi chi phí, lợi nhuận gia đình thu cũng khoảng 200 triệu đồng. Có thu nhập ổn định, kinh tế gia đình đã cải thiện đáng kể.”, chị Tư chia sẻ.

Được biết, công việc chăn nuôi không chỉ tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gia đình mình, chị Tư còn tạo thêm việc làm cho 4 lao động khác tại địa phương.

Đây chỉ là một trong rất nhiều mô hình sinh kế, phát triển kinh tế gia đình hiệu quả trên địa bàn huyện Phú Ninh cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam được hình thành và phát triển từ nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia về việc làm thông qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam triển khai.

Theo đó, hầu hết dự án vay vốn giải quyết việc làm được người dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt và kinh doanh. Trong đó, các dự án thuộc kinh tế hộ gia đình chiếm đa số, tập trung ở khu vực nông thôn, thu hút lực lượng lao động nông nghiệp, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam cho biết, việc thẩm định, giải ngân chương trình vốn vay giải quyết việc làm cho người dân luôn tạo sự thuận lợi, chú trọng giải ngân kịp thời, đồng thời quản lý tốt nguồn vốn. Cùng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh, sinh viên, thông qua Quỹ Quốc gia về việc làm, chương trình vốn vay giải quyết việc làm đã thực sự góp phần quan trọng, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người lao động, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Không những vậy, để phát huy hiệu quả nguồn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng như các sở, ngành, địa phương tổ chức các lớp tập huấn giúp các hộ vay vốn sử dụng đồng vốn hiệu quả, cho thấy đây thực sự là kênh quan trọng hỗ trợ người lao động có thêm cơ hội việc làm.

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách về hỗ trợ tạo việc làm, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chương trình việc làm của tỉnh đến năm 2025.

Theo đó, cùng với việc ưu tiên đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng suất lao động, chất lượng việc làm, tỉnh cũng sẽ phát triển thị trường lao động lành mạnh, ổn định, tạo ra nhiều việc làm, đồng thời khuyến khích các hình thức tạo việc làm tại chỗ…

Cụ thể, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu việc làm tăng thêm cho 80.000 lao động (bình quân mỗi năm 16.000 lao động). Trong đó, việc làm tăng thêm khu vực sản xuất, doanh nghiệp là 65.000 lao động; hỗ trợ tạo việc làm cho 10.000 lao động thông qua các dự án vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm, nguồn vốn ngân sách địa phương uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội, nguồn vốn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn huy động hợp pháp khác…

Tỉnh phấn đấu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 3%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến năm 2025 đạt khoảng 70- 75%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ đào tạo là 35%. 100% người lao động đến với Trung tâm Dịch vụ việc làm được tư vấn về chính sách, việc làm và học nghề, trong đó có 50% người lao động được giới thiệu việc làm; 70% số người lao động được giới thiệu việc làm tìm được việc làm; nâng tỷ lệ lao động có việc làm qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm lên trên 45%.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh cũng sẽ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách tín dụng về tạo việc làm, phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm thông qua chương trình tín dụng ưu đãi Quỹ Quốc gia về việc làm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.