Theo đó, Quảng Nam đặt mục tiêu đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng, ưu tiên các nhóm nguy cơ cao; đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đảm bảo 100% xã, phường, thị trấn triển khai Kế hoạch đến các thôn, bản, tổ dân phố; được chuyển hóa thành tài liệu tuyên truyền, hằng tháng ít nhất một lần được phát trên các hệ thống loa phát thanh; chú trọng truyền thông trực tiếp tại những địa điểm khu dân cư có nguy cơ cao xảy ra hoạt động mua bán người; nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm...
Bên cạnh đó, tăng cường công tác phối hợp liên ngành để nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, chuyển tuyến trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; huy động, khuyến khích sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, cá nhân, tổ chức và toàn xã hội trong công tác hỗ trợ nạn nhân; tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ nhằm giúp nạn nhân hòa nhập cộng đồng, phòng tránh bị mua bán trở lại.
Tỉnh phấn đấu 100% trường hợp sau khi được xác định là nạn nhân được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ theo nhu cầu và hưởng các chế độ hỗ trợ theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích của nạn nhân.
Đồng thời, xây dựng, củng cố, từng bước nâng cấp cơ sở vật chất, trang, thiết bị tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện chức năng hỗ trợ nạn nhân. Phấn đấu có 100% cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân được tập huấn, nâng cao năng lực chuyên môn.
Để thực hiện được các mục tiêu này, Quảng Nam đề ra 7 giải pháp cụ thể, trong đó sẽ tiếp tục củng cố, phát triển các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội, cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội, cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Đầu tư trang, thiết bị đảm bảo phục vụ công tác hỗ trợ nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội. Tổ chức tiếp nhận, bố trí nơi lưu trú cho nạn nhân; thực hiện chế độ hỗ trợ cho nạn nhân tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội theo quy định.
Thực hiện quy trình chuyển tuyến hỗ trợ nạn nhân; phối hợp với các cơ quan liên quan đưa nạn nhân về tại các cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở trợ giúp xã hội/nơi cư trú. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, cần kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em tại nơi trẻ em được tiếp nhận để hỗ trợ và bảo vệ nếu cần thiết.
Tăng cường công tác thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111, Tổng đài điện thoại của tỉnh 18001581; xử lý thông tin, tư vấn, chuyển tuyến các nạn nhân hoặc nghi là nạn nhân bị mua bán.
Tỉnh cũng sẽ xây dựng, nhân rộng mô hình phòng, ngừa; mô hình nhóm đồng đẳng, tự lực; mô hình hỗ trợ cho các địa phương có nguy cơ phát sinh tệ nạn và nạn nhân bị mua bán. Thông qua các hoạt động của mô hình, nâng cao hiệu quả công tác phòng, ngừa, đấu tranh tố giác tội phạm mua bán người, tăng cường cung cấp các dịch vụ xã hội hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán. Đồng thời lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán vào chương trình phòng, chống ma túy, mại dâm và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác, như: Chương trình giảm nghèo, dạy nghề, giải quyết việc làm...; hỗ trợ các địa phương có đường biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng người dân tộc thiểu số trong công tác tuyên truyền phòng, chống mua bán người; đặc biệt chú trọng đến các đối tượng yếu thế, có nguy cơ cao, nhất là phụ nữ và trẻ em. Ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho những nạn nhân bị mua bán trở về, giúp họ hòa nhập cộng đồng. Hỗ trợ, cung cấp kết nối các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trợ giúp xã hội, hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ tư vấn, trị liệu tâm lý và các dịch vụ bảo vệ trẻ em đối với trẻ em bị mua bán. Tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán vay vốn từ các chương trình cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các chương trình vay vốn khác để phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thực hiện các quy định hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán; hỗ trợ các địa phương xây dựng, nhân rộng các mô hình phòng, ngừa, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng. Phối hợp tổ chức tập huấn lập hồ sơ quản lý, kỹ năng tiếp cận, tư vấn can thiệp tâm lý đối với nạn nhân bị mua bán cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại các địa phương có nguy cơ cao, có nạn nhân bị mua bán trở về…