Tử vong vì chủ quan
Năm 2014, toàn tỉnh Quảng Nam có 4 trường hợp tử vong do chó dại cắn. Riêng 4 tháng đầu năm 2015, đã có 3 ca tử vong do căn bệnh này. Gần đây nhất là bệnh nhân Phạm Văn Thành (26 tuổi, thôn 6, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) tử vong vào ngày 6/5/2015 do bị chó dại cắn. Trước đó, ngày 1/3/2015, anh Thành đang ở trong nhà thì bị một con chó lạ chạy vào cắn ở tay và chân gây chảy máu. Ngày hôm sau, anh Thành đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh với mục đích để tiêm phòng. Tuy nhiên, khi nhân viên trung tâm chuẩn bị vắc-xin để tiêm thì anh Thành lại đổi ý không tiêm. Sau đó, anh Thành đến nhờ một thầy lang ở huyện Điện Bàn “cào” để biết con chó cắn mình có phải là chó dại hay không. Kết quả “chẩn đoán” của thầy lang là con chó cắn anh Thành không bị bệnh dại. Tin lời thầy lang này, anh Thành về nhà yên tâm đi làm bình thường, không mảy may nghĩ đến việc tiêm phòng. Ngày 4/5/2015, tức 63 ngày sau khi bị chó cắn, anh Thành lên cơn dại với những triệu chứng như mệt mỏi, sợ nước, sợ gió và lo lắng.
Gia đình đã đưa anh Thành đến bệnh viện tỉnh điều trị nhưng bệnh nhân đã tử vong sau đó 2 ngày. Điều đáng nói, năm 2013, một người phụ nữ ở cách nhà anh Thành khoảng 1 km cũng tử vong vì bị chó dại cắn. Anh Thành và gia đình biết về cái chết của người phụ nữ này nhưng lại chủ quan tin vào lang băm nên thiệt mạng oan uổng. Theo người dân địa phương cho biết, trước khi bỏ nhà đi và cắn anh Thành, con chó trên đã cắn một cháu bé 6 tuổi ở cùng xóm. Tuy nhiên, cháu bé này được gia đình đưa đi tiêm vắc-xin nên đến nay vẫn bình an vô sự.
Phòng chống bệnh dại cần quyết liệt hơn
Trong những năm qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo sát sao các ngành chức năng, các địa phương chủ động tuyên truyền, mở thêm các điểm tiêm phòng dại và hướng dẫn người dân khi bị chó nghi dại cắn phải đến các điểm tiêm phòng để tiêm vắc-xin… song kết quả mang lại chưa như mong muốn.
Qua tìm hiểu cho thấy, hầu hết các bệnh nhân tử vong là do chủ quan và thiếu kiến thức về bệnh dại. Sau khi bị chó, mèo cắn họ không đến cơ sở y tế để tiêm phòng vắc-xin mà lại đi tìm thầy lang nhờ “cào” để biết con chó cắn mình có phải là chó dại hay không. Họ cho rằng, tiêm vắc-xin phòng bệnh dại sẽ bị nóng, giảm trí nhớ. Ông Huỳnh Công Quang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, vắc-xin và sinh phẩm (Trung tâm Y tế dự phòng Quảng Nam) khẳng định, việc “cào” để “chẩn đoán” bệnh nhân có bị nhiễm vi-rút dại hay không là phương pháp hoàn toàn phản khoa học và không có nghiên cứu nào cho thấy việc tiêm vắc-xin gây giảm trí nhớ. “Bệnh dại khi đã lên cơn thì không có thuốc điều trị, gần như 100% là tử vong. Bệnh này chỉ có thể điều trị dự phòng ngay từ đầu bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tuy chi phí tiêm phòng hơi cao (khoảng 1 triệu đồng/trường hợp) nhưng đó là cách duy nhất để tránh mắc bệnh dại sau khi bị phơi nhiễm vi-rút”, ông Quang nói.
Bà Ngô Thị Hồng, mẹ anh Thành đau đớn và ân hận không thuyết phục được con tiêm vắc-xin phòng bệnh dại để xảy ra hậu quả đau lòng.
Theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn, nếu công tác tiêm phòng bệnh dại cho gia súc đạt hiệu quả (đạt trên 80% tổng đàn chó, mèo được thực hiện liên tục trong thời gian 5 năm) thì bệnh dại trên người sẽ được đẩy lùi. Tuy nhiên, công tác tiêm phòng dại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Văn Hoàng, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Quảng Nam cho biết: “Điểm hạn chế trong công tác tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi là việc tổ chức triển khai ở cấp xã chưa quyết liệt, nhiều địa phương khoán trắng cho cán bộ thú y tiêm được chăng hay chớ. Bên cạnh đó, rất nhiều người dân không tự giác chấp hành quy định tiêm phòng bắt buộc, chính quyền lại không xử lý nên tỷ lệ tiêm luôn đạt thấp. Mỗi năm cả tỉnh tiêm được 23-25 nghìn con chó, mèo nuôi, ước tính chỉ đạt khoảng 30% tổng đàn toàn tỉnh”.
Như vậy, số chó, mèo chưa được tiêm phòng dại rất lớn và đây là nguyên nhân gây ra bệnh dại ở người. Ông Hoàng cho biết thêm: “Chi cục Thú y luôn sẵn sàng cung ứng vắc-xin phòng dại cho vật nuôi theo nhu cầu, đăng ký của các địa phương. Người dân sẽ không bị phơi nhiễm vi-rút gây bệnh dại nếu như đàn chó, mèo được tiêm phòng triệt để. Để công tác phòng chống bệnh dại đạt hiệu quả, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân và tăng cường tiêm phòng bệnh dại cho vật nuôi, cần phải thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở hành nghề “cào chó cắn” gây hậu quả chết người”.
Theo Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ NN&PTNT hướng dẫn phòng chống bệnh dại ở động vật, chủ vật nuôi phải chấp hành quy định bắt buộc tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi; thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Thông tư này cũng quy định, chủ vật nuôi phải chịu mọi trách nhiệm khi để chó thả rông cắn người, phải bồi thường tổn thất về sức khỏe, tinh thần, vật chất do vật nuôi của mình gây ra cho người bị hại trực tiếp và cộng đồng. Trường hợp gây ra chết người, ngoài việc phải chịu chi phí trong thời gian điều trị, chủ vật nuôi còn phải có trách nhiệm vật chất trong việc tổ chức chôn cất cho người bị hại và các khoản chi liên quan cho hậu quả do người bị chết để lại.