Theo đó, thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu phức tạp trở lại, tại nhiều địa phương tái diễn tình trạng quảng cáo, cho vay trên nền tảng công nghệ, phát tán, treo, dán tờ rơi, quảng cáo, mời chào cho vay, nhất là tại các khu công nghiệp, khu dân cư, các chợ…
Một số ngân hàng, công ty tài chính được cấp phép hoạt động cho vay (hợp pháp), có quy định chặt chẽ về việc xử lý và thu hồi nợ theo pháp luật. Tuy nhiên, quá trình thu hồi nợ đối với các khoản nợ xấu, nợ khó đòi, nhất là các khoản cho vay tín chấp, một số ngân hàng công ty tài chính đã ký kết hợp đồng với các công ty, văn phòng luật dưới danh nghĩa tư vấn pháp lý, tư vấn xử lý nợ, ủy quyền thu hồi nợ… Lợi dụng hợp đồng này, các công ty, văn phòng luật đã thuê, sử dụng nhân viên để gọi điện, nhắn tin đòi nợ.
Nhằm tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ trái pháp luật trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội, đoàn thể và yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác chỉ đạo thực hiện các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn quản lý, nhất là những phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm này. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong việc chấp hành chính sách tài chính, quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn.
Công an tỉnh chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng, lên danh sách triệt xóa các băng nhóm, đường dây, đối tượng hình sự có biểu hiện hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”. Đấu tranh mạnh với các loại tội phạm phát sinh từ hoạt động “tín dụng đen” và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội thường có mối quan hệ với “tín dụng đen” như cờ bạc, ma túy...
Đồng thời, kịp thời phát hiện, ngăn chặn gỡ bỏ, xử lý đối với các ứng dụng, website có dấu hiệu liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” và xử lý các hành vi vi phạm của doanh nghiệp, hành vi sai phạm của nhân viên ngân hàng trong các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật. Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; công ty tài chính, cơ sở kinh doanh biến tướng hoạt động “tín dụng đen” có dấu hiệu hoạt động đòi nợ trái pháp luật; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với những cơ sở nhiều lần vi phạm theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ việc đăng ký hộ kinh doanh có đăng ký ngành nghề dịch vụ cầm đồ, dịch vụ tài chính đúng quy định. Chỉ đạo lực lượng Công an tấn công, trấn áp, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn…