Theo đó, tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu xây dựng mô hình điểm trồng một số loài cây dược liệu có giá trị kinh tế với diện tích 5 ha tại xã Trà Bui, bao gồm chè dây 3 ha, ba kích tím 1,5 ha và sâm Bố Chính 1 ha; có 1-2 sản phẩm trong mô hình được chứng nhận OCOP.
Đồng thời, hình thành được 1-2 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; sản phẩm dược liệu đạt tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam hiện hành; tiêu chuẩn GACP-WHO hoặc các tiêu chuẩn của người đặt hàng.
Diện tích dược liệu phát triển mở rộng sản xuất tại địa phương (ngoài diện tích mô hình) đến năm 2025 đạt khoảng 30 ha. Thu hút doanh nghiệp, hợp tác xã/tổ hợp tác... đầu tư trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu, từng bước hình thành sản phẩm dược liệu mang tính hàng hóa.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đưa ra các giải pháp cụ thể, trong đó về tổ chức liên kết sản xuất, địa phương sẽ chú trọng khảo sát, xây dựng vùng sản xuất tập trung cây dược liệu, gắn với việc xây dựng hệ thống thu mua, bảo quản, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở khai thác lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, tạo ra những sản phẩm có giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, lựa chọn hợp tác xã/tổ hợp tác đủ điều kiện để tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, trên cơ sở phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng kinh tế.
Xây dựng, chuyển giao và nhân rộng mô hình liên kết tổ chức sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị gia tăng. Hình thành liên kết 5 nhà (nhà nông, nhà doanh nghiệp, Nhà nước, ngân hàng, nhà khoa học). Đồng thời, nhân rộng phương thức sản xuất, tiêu thụ dược liệu theo đơn đặt hàng từ nhu cầu thị trường...