Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ngãi: Chú trọng đào tạo nghề gắn với vận động tham gia lao động có thời hạn ở nước ngoài

Quảng Ngãi là một trong số các địa phương được giao thực hiện các dự án và nội dung thành phần thuộc 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, trong đó công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, giải quyết việc làm và vận động lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nội dung cốt lõi nhằm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi và nâng cao chất lượng lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường.

Đào tạo nghề cho người lao động giữ vai trò rất quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Nghề nông thôn cơ bản được cha truyền con nối, truyền bá kinh nghiệm sản xuất của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Các nghề truyền thống trong nông thôn cũng được truyền dạy theo kiểu như vậy. Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn thực sự chỉ được bắt đầu chú ý từ khi đổi mới kinh tế, chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Tư vấn tuyển sinh dạy nghề tại Huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi

Tư vấn tuyển sinh dạy nghề tại Huyện Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi

Sự phát triển của sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ hiện đại gắn với kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế đòi hỏi phải thay đổi căn bản chất lượng, trình độ lao động nông thôn về mọi mặt. Hiện nay đào tạo nghề đã chú trọng gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới; đào tạo nghề đang chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với tư vấn, định hướng nghề nghiệp.

Tại các đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Ngãi, đào tạo nghề cho lao động gắn liền với đặc thù của từng địa phương. Đối với khu vực các huyện đồng bằng đào tạo nghề nhằm chuyển đổi cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, với trọng tâm là đáp ứng nhu cầu lao động trực tiếp của Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh, bên cạnh đó là nâng cao kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cho những người làm nghề truyền thống và cho nông dân sản xuất theo mô hình.

Nhiều giải pháp được thảo luận về công tác dạy nghề

Nhiều giải pháp được thảo luận về công tác dạy nghề

Trong khi đó với khu vực mền núi đào tạo nghề hầu như phục vụ nhu cầu tại chỗ của bà con thông qua việc phổ biến kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng thiết bị hỗ trợ trong nông nghiệp… Ngoài ra có địa phương chú trọng đào tạo nghề dịch vụ theo định hướng quy hoạch của địa phương mình như huyện đảo Lý Sơn với các nghề liên quan đến dịch vụ du lịch.

Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, phối hợp với UBND các huyện, Sở Giáo dục & Đào tạo tổ chức hàng chục buổi tư vấn tuyển sinh, định hướng nghề nghiệp - Giới thiệu việc làm tại các huyện. UBND các huyện tiếp tục tổ chức các hội nghị để triển khai đến địa phương cấp xã về đào tạo nghề, giải quyết việc làm và vận động lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Mặc dù được quan tâm và triển khai rộng rãi, nhưng đào tạo nghề cho lao động nông thôn hiện nay còn vướng nhiều hạn chế dẫn đến hiệu quả chưa đạt như mong đợi, điển hình là:

Một là, cơ chế chính sách cho đào tạo nghề ngắn hạn chưa được cập nhật, bổ sung, nhiều nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện tại (Quyết định 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 Quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng); tỉnh chưa cập nhật ban hành danh mục nghề, định mức chi phí đào tạo phù hợp dẫn đến cơ sở giáo dục nghề nghiệp khó thực hiện đào tạo cho các địa phương vì kinh phí thực hiện không đảm bảo (Quyết định 490/QĐ-UBNND ngày 29/3/2018 về việc phê duyệt danh mục nghề, định mức chi phí đào tạo đối với từng nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 03 tháng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi).

Hai là, theo thói quen tự nhiên của người dân, di cư của lao động nông thôn ra thành thị ồ ạt gây thiếu hụt lao động ở nông thôn. Hằng năm số lượng thanh niên, người trong độ tuổi lao động di chuyển vào các tỉnh khu vực phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai … rất nhiều. Lao động phần lớn làm việc lao động tự do hoặc công nhân trong các nhà máy nhưng không muốn về làm việc tại địa phương;

Ba là, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn còn thấp. Chất lượng lao động từng bước được cải thiện, nhưng còn hạn chế, làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh, gây ra chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn.

 

Bốn là, quy mô đào tạo các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm mạnh. Sự dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các lĩnh vực phi nông nghiệp là phù hợp, các ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp bị thu hẹp là tất yếu. Tuy nhiên, có rất nhiều ngành nghề cần thiết trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, thú y, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông, lâm sản, dịch vụ nông nghiệp...) để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, ít người muốn vào học những ngành này do có xu hướng ly hương, ly nông để lập nghiệp.

Năm là, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu việc làm và còn biểu hiện lãng phí. Sự hình thành hàng loạt các trung tâm dạy nghề, nhất là tại cấp huyện nhưng không đủ năng lực đào tạo nên chỉ xoay quanh các lớp nghề may công nghiệp, sửa chữa cơ khí nhỏ, lái xe,... với số người học ít ỏi, gây lãng phí cơ sở vật chất.

Sáu là, chất lượng đào tạo nghề còn quá thấp so với yêu cầu thực tế và trình độ của các nước trong khu vực. Lực lượng lao động phần lớn vẫn còn thiếu kỹ năng và kiến thức để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Về công tác giới thiệu việc làm, Trung tâm dịch vụ việc làm thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là đầu mối hỗ trợ. Trung tâm liên tục tổ chức các sàn giao dịch việc làm tại các địa phương trong tỉnh, kết nối doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động . Ngoài ra Trung tâm còn hỗ trợ kết nối  đưa người lao động đi làm việc ở thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc theo hợp đồng làm việc có thời hạn.