Tính đến hết 6 tháng đầu năm 2016, Quảng Ngãi thu ngân sách đạt gần 9.000 tỷ đồng; giải ngân vốn đầu tư khoảng 42%. Mặc dù có gần 5.500 doanh nghiệp đăng ký mã số thuế, nhưng chỉ có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn. Trong đó, đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế của Quảng Ngãi lệ thuộc rất lớn vào kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất với 82% tỷ trọng GDP trong tỉnh.
Đối với huyện đảo Lý Sơn, tình hình kinh tế-xã hội và quốc phòng, an ninh có bước phát triển ổn định và tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất đến năm 2015 hơn 900 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm khoảng 16,7%. Trong đó, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế huyện. Thu nhập bình quân của người dân trong huyện tính đến hết năm 2015 là 21 triệu đồng/người/năm.
Xác định kinh tế thủy sản là mũi nhọn, Lý Sơn đã hình thành đội tàu 417 chiếc với các loại công suất khác nhau phục vụ hoạt động đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Lý Sơn cũng đang đẩy mạnh phát triển du lịch, một lĩnh vực có tiềm năng. Riêng nửa đầu năm nay đã có 115.000 lượt khách, trong đó có 431 lượt khách du lịch tới Lý Sơn. Ngoài các cơ sở lưu trú, khách sạn, Lý Sơn khuyến khích các hình thức cộng đồng làm du lịch tại gia.
Góp ý với lãnh đạo Quảng Ngãi, đại diện các bộ, ngành nhận định, mặc dù có nhiều khu kinh tế công nghiệp hoạt động trên địa bàn nhưng xét về bản chất, Quảng Ngãi vẫn là địa phương có nền kinh tế nông nghiệp chiếm tỷ lệ lớn. Thu nhập bình quân đầu người ở Quảng Ngãi tuy ở mức cao hơn mức trung bình của cả nước, nhưng phần lớn tập trung vào Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chính vì vậy, tỉnh cần có những bước đi chủ động để phòng những biến động lớn về giá dầu, dẫn đến thay đổi kết quả sản xuất kinh doanh của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, từ đó, tác động đến thu nhập của người dân.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Quảng Ngãi là mảnh đất Anh hùng, giàu truyền thống cách mạng và Quảng Ngãi cũng là địa phương có thế mạnh lớn để phát triển kinh tế biển và kinh tế khu công nghiệp. Ghi nhận tỉnh Quảng Ngãi đã từng bước chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, chú trọng nhiều hơn đến phát triển doanh nghiệp và bước đầu chủ động trong quản lý Nhà nước, điều hành kinh tế-xã hội, Thủ tướng cũng chỉ rõ những tiềm năng, dư địa phát triển của tỉnh trong tương lai và mong muốn Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Quảng Ngãi tiếp tục duy trì tình đoàn kết, gắn bó, thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển.
Phân tích những hạn chế, tồn tại mà Quảng Ngãi cần khắc phục, Thủ tướng cho rằng, tỉnh Quảng Ngãi chưa thực sự có những bước phát triển mang tính đột phá; nhất là ngành nông nghiệp chậm chuyển đổi cơ cấu, nguồn thu trên địa bàn thấp, nhiều chỉ tiêu giảm so với năm 2015; xây dựng nông thôn mới đạt thấp; tỷ lệ nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản là những nội dung cơ bản của kinh tế nông thôn ở Quảng Ngãi, dù không chiếm tỷ lệ cao trong GDP nhưng vẫn cần tiếp tục được quan tâm, đầu tư, phát triển để nâng cao đời sống người dân nông thôn.
Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi cần tiếp tục giải quyết tốt mô hình kinh tế nông nghiệp, công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và phát triển dịch vụ phù hợp với quy luật thị trường. Tỉnh phải rà soát lại các chủ trương, biện pháp, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2016 thực hiện tốt các Nghị quyết 01, 19 và 35 của Chính phủ trên cơ sở bám sát chỉ tiêu của HĐND tỉnh đã đề ra. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Quảng Ngãi tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông. Trong đầu tư, cần lựa chọn hạng mục, lĩnh vực, khu vực đầu tư có thể đem lại lợi ích lớn nhất cho người dân đi đôi với xã hội hóa các nguồn lực đầu tư; coi trọng tái cơ cấu; chú trọng đến nhiệm vụ trồng và bảo vệ rừng. Quảng Ngãi cần làm gương trong việc đóng cửa khai thác rừng tự nhiên. Đồng thời, tỉnh Quảng Ngãi cần xây dựng, hoàn thiện đầu mối, hệ thống chính quyền năng động, sáng tạo, quyết liệt trong hành động, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại.
Đặc biệt, Quảng Ngãi phải chú ý làm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công và người nghèo; không để đồng bào bị đứt bữa, thiếu ăn, nhất là khu vực miền Tây Quảng Ngãi. Làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ ngư dân hành nghề đánh bắt, khai thác thủy hải sản, để người dân yên tâm hành nghề, bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng xem xét, giải quyết các kiến nghị của tỉnh trên tinh thần rà lại quy mô các công trình, dự án đề xuất; đa dạng hóa nguồn lực để có thể triển khai dự án.
Cùng ngày, Thủ tướng cũng đã tới thăm mô hình thử nghiệm nhà bán trú bằng container do Công ty cổ phần xã hội H.E.L.P thực hiện thí điểm, nhằm triển khai cho các huyện miền núi trong tỉnh. Đây là mô hình được xây dựng góp phần giải quyết tình trạng học sinh đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi bỏ học do khoảng cách xa, đi lại khó khăn từ nhà đến trường.
Dự án được thiết kế để thay thế những lều ở trọ dựng tạm quanh khu vực trường làm nơi ăn nghỉ, học chữ của các em. Qua thời gian trưng bày, mô hình nhà bán trú bằng container đã nhận được nhiều sự tán thành, đồng thuận của người dân trong tỉnh.