Theo ông Hùng, nguyên nhân của việc này là do các giáo viên thuộc diện hợp đồng đã cho thôi dạy học vào cuối năm học 2018 - 2019, trong khi việc tuyển dụng giáo viên mới lại không kịp, khiến hàng loạt trường trực thuộc Sở GD&ĐT và các huyện chưa có phương án sắp xếp trong việc bố trí giáo viên đứng lớp.
Điển hình như trường tiểu học Đông Hiệp, xã Nghĩa Hiệp, huyện Tư Nghĩa, năm học này có 10 lớp, nhưng chỉ có 6 giáo viên chủ nhiệm và theo biên chế cho phép, nhà trường còn thiếu 7 giáo viên. Hiện nhà trường phải thực hiện phân công 3 giáo viên chủ nhiệm cả 2 lớp trái buổi và huy động hiệu phó tham gia chủ nhiệm, đứng lớp. Còn theo ông Phạm Đăng Huyên, Phó hiệu trưởng trường THCS xã Nghĩa Hiệp, trường còn thiếu 8 giáo viên. Đặc biệt, giáo viên dạy sử phải "trực chiến" đến 18 lớp, đứng lớp 29 tiết/tuần.
Ông Bùi Thế Giới, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi), địa phương còn thiếu đến 70 giáo viên, có trường không còn giáo viên bộ môn. Đáng lưu ý, khi thực hiện dừng sử dụng lao động hợp đồng theo Nghị định 161 của Chính phủ, từ tháng 4/2019 đến nay, toàn huyện có 26/26 trường học do UBND huyện Sơn Tây quản lý thì đều "trắng" kế toán.
Trước những khó khăn nêu trên, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Bộ Nội vụ về việc cho phép hợp đồng giáo viên làm công việc chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đó, Bộ Nội vụ đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi khẩn trương tuyển dụng hết số viên chức được giao; nghiên cứu hợp đồng giáo viên, đảm bảo đúng quy định hiện hành, đảm bảo bố trí giáo viên đứng lớp.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tổ chức thi tuyển 845 giáo viên từ bậc mầm non đến bậc THPT. Tuy nhiên, phải đến cuối tháng 9/2019, việc thi tuyển mới xong, nghĩa là học sinh trong toàn tỉnh đã bước vào năm học mới.