Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh ban hành và triển khai nhiều chính sách vượt trội về cai nghiện ma túy

Trong những năm qua, cùng với việc quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, tỉnh Quảng Ninh cũng quan tâm ban hành các cơ chế, chính sách vượt trội nhằm khuyến khích, hỗ trợ người thực hiện cai nghiện ma túy, sau cai nghiện ma túy và các lực lượng chuyên trách phòng, chống loại hình tội phạm này.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh, từ ngày 15/12/2022 -12/10/2023, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã tiếp nhận mới 523 người (trong đó 276 người cai tự nguyện, 94 người cai bắt buộc, 153 người cai nghiện bị quản lý); đạt 95,4% chỉ tiêu kế hoạch. Tính đến hết ngày 12/10/2023, số người cai nghiện Cơ sở đang quản lý là 641 (Cai nghiện tự nguyện: 210 (4 nữ); Cai nghiện bắt buộc: 405 (02 nữ); Người bị quản lý: 26). Theo đó, tất cả các học viên, kể cả ở ngoài tỉnh khi cai nghiện với thời gian từ 6 tháng trở lên đều được hỗ trợ 100% chi phí khám sàng lọc, tiền thuốc cắt cơn, giải độc, điều trị rối loạn tâm thần, thuốc chữa bệnh thông thường và được hỗ trợ tiền ăn, chăn, màn, quần áo, đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh còn tổ chức đào tạo sơ cấp nghề cho 130 người cai nghiện, gồm: 02 lớp kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí cho 65 người, 02 lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho 65 người. Đồng thời phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố xây dựng, ký quy chế phối hợp về công tác tiếp nhận người nghiện, xác định tình trạng nghiện, công tác cai nghiện, thông báo người hoàn thành chương trình cai nghiện ma túy tại Cơ sở và quản lý sau cai nghiện. Phối hợp với Công an thành phố Hạ Long tổ chức làm căn cước công dân gắn chíp cho người cai nghiện và học sinh trường TH-THCS Vũ Oai tại Cơ sở.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh tham gia lao động sản xuất

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh tham gia lao động sản xuất

Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện trên địa bàn tỉnh; hạn chế tối đa tác hại do tội phạm, tệ nạn ma túy gây ra, ngăn chặn tốc độ gia tăng người nghiện mới, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển KT-XH, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND (ngày 12/7/2023) quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy, quản lý sau cai nghiện ma túy và hỗ trợ lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 22/7/2023 và thay thế Nghị quyết số 144/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018. 

Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND bao gồm 18 chính sách hỗ trợ cho 7 nhóm đối tượng; nội dung cơ bản của các chính sách như sau: (1). Chính sách đối với người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: Tiền ăn bằng 1,0 lần mức lương cơ sở/người/tháng; Tiền đồ dùng sinh hoạt bằng 1,5 lần mức lương cơ sở/người/năm; Tiền điện, nước tối đa là 150.000 đồng/người/tháng; Tiền hoạt động văn hóa, thể thao là 150.000 đồng/người/năm; Tiền ăn khi đi đường về địa phương là 100.000 đồng/người/ngày, được cấp 01 bộ quần áo, với mức giá tối đa là 400.000 đồng/bộ; Hỗ trợ chi phí mai táng khi không có thân nhân tối đa bằng 50 lần, khi có thân nhân tối đa bằng 10 lần mức chuẩn trợ cấp xã hội; (2). Chính sách đối với người cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: Nếu thường trú tại Quảng Ninh được hỗ trợ các chính sách cơ bản như người cai nghiện bắt buộc; Nếu thường trú ngoài tỉnh Quảng Ninh được hỗ trợ 100% chi phí cắt cơn và 70% tiền ăn, tiền đồ dùng sinh hoạt; (3). Chính sách đối với người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng được hỗ trợ: 1,5 lần mức lương cơ sở khi hoàn thành việc cai nghiện theo quy định; (4). Chính sách đối với người nghiện ma túy bị quản lý trong thời gian lập hồ sơ được hưởng các chế độ ăn, ở, sinh hoạt, y tế như người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; (5). Chính sách đối với người sử dụng trái phép chất ma túy bị quản lý trong thời gian xác định tình trạng nghiện được hỗ trợ tiền ăn; tiền điện, nước; chi phí điều trị hội chứng cai; mức hỗ trợ như đối với người cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh; (6). Chính sách đối với người bị quản lý sau cai nghiện, khi được cấp Giấy chứng nhận, thì được hỗ trợ 500.000 đồng đối với người bị quản lý 01 năm, 1.000.000 đồng đối với người bị quản lý 02 năm; (7). Chính sách hỗ trợ hàng tháng cho các đối tượng: (i) Lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy của Công an tỉnh là 3.600.000 đồng; của Bộ đội Biên phòng tỉnh và Hải quan tỉnh là 1.800.000 đồng; (ii) Tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh: đối với bác sỹ là 10.800.000 đồng; những người còn lại là 3.600.000 đồng; (iii) Người trực tiếp tư vấn, giúp đỡ người sử dụng trái phép ma túy là 0,25 lần mức lương cơ sở; (iv) Người được giao quản lý, hỗ trợ người cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, người bị quản lý sau cai là 0,6 lần mức lương cơ sở; (v) Người trực tiếp tham mưu, lập hồ sơ, theo dõi, quản lý người sử dụng trái phép ma túy, người nghiện, người bị quản lý sau cai là 900.000 đồng.

Với việc quy định mức chi đối với người không thuộc trường hợp hưởng lương từ ngân sách được giao nhiệm vụ trực tiếp tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy trong thời hạn quản lý; cán bộ, chiến sĩ, công chức thuộc ngành công an, LĐ-TB&XH trực tiếp làm nhiệm vụ tham mưu quản lý, lập hồ sơ, theo dõi công tác cai nghiện ma túy, quản lý người nghiện ma túy… đã góp phần động viên, khích lệ rất lớn đối với các lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ về cai nghiện ma túy.

Với nhiều đổi mới phù hợp với thực tiễn, Nghị quyết 18/2023/NQ-HĐND được HĐND tỉnh thông qua đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh. Đặc biệt là Chỉ thị số 32-CT/TU ngày 5/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới, trong đó có chủ trương "Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho những cán bộ trực tiếp thực hiện công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy".

Những chính sách vượt trội nêu trên của tỉnh Quảng Ninh sẽ góp phần từng bước nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy; hạn chế đến mức thấp nhất tác hại do tội phạm, tệ nạn ma túy gây ra, ngăn chặn tốc độ gia tăng người nghiện mới; góp phần đảm bảo an ninh, trật tự, tạo môi trường xã hội ổn định, lành mạnh, an toàn, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới./