Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh: Chú trọng Đa dạng các hoạt động trợ giúp người khuyết tật

Những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ NKT nhằm nâng cao đời sống NKT, đảm bảo an sinh xã hội.

Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh cho biết đã tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo, trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 21/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Nghị quyết số 21 đã nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người sinh sống tại cộng đồng, cụ thể: Giai đoạn từ ngày 01/8/2021 đến ngày 31/12/2022: Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 450.000 đồng/tháng. Giai đoạn từ ngày 01/01/2023 trở đi: Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 500.000 đồng/tháng. Đối với người được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội, mức chuẩn trợ cấp xã hội là 500.000 đồng/tháng.

Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc NKT tại gia đình.

Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh tổ chức các lớp tập huấn chăm sóc NKT tại gia đình.

Hệ số trợ cấp cho NKT mức thấp nhất là 1,5 (đối với NKT nặng từ 16 đến dưới 60 tuổi) và cao nhất là 2,5 (đối với NKT đặc biệt nặng dưới 16 tuổi và NKT đặc biệt nặng trên 60 tuổi).

Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, đối tượng NKT nặng từ 16 đến dưới 60 tuổi được trợ cấp hằng tháng số tiền 675.000 đồng/người; NKT nặng từ dưới 16 tuổi và trên 60 tuổi được trợ cấp 900.000 đồng/tháng. Trường hợp NKT đặc biệt nặng từ 16 tuổi đến dưới 60 tuổi hằng tháng được trợ cấp 900.000 đồng/tháng; NKT đặc biệt nặng từ dưới 16 tuổi đến trên 60 tuổi được trợ cấp 1.125.000 đồng/tháng. 100% NKT đang hưởng trợ cấp hằng tháng trên địa bàn tỉnh đều được cấp thẻ BHYT đầy đủ, kịp thời.

Trước đó, ngày 14/9/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021- 2030 với mục tiêu chung nhằm thực hiện tốt các quy định của Luật NKT để cải thiện chất lượng cuộc sống của NKT; Hỗ trợ và tạo điều kiện để NKT tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội, bảo đảm quyền lợi hợp pháp và xây dựng môi trường không rào cản đối với NKT; Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và người dân về công tác bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp NKT.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật nhà nước và của tỉnh về NKT, làm chuyển biến cơ bản nhận thức của xã hội, gia đình và bản thân NKT về vấn đề khuyết tật và NKT, phòng chống phân biệt đối xử đối với NKT; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp để tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin của NKT… Phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục NKT phù hợp với nhu cầu đa dạng của NKT và người tham gia giáo dục NKT; Vận động phụ huynh có trẻ khuyết tật ra lớp; triển khai các chính sách ưu đãi về giáo dục cho học sinh khuyết tật, tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật có năng khiếu tham gia các trường đào tạo bồi dưỡng năng khiếu. Khảo sát nhu cầu và triển khai hoạt động hỗ trợ sinh kế phù hợp với nhu cầu của NKT và gia đình; Tư vấn nghề, việc làm và hỗ trợ NKT tìm kiếm việc làm; Khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập cơ sở dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi cho NKT có nhu cầu được học nghề phù hợp.

Năm 2022, Sở LĐ-TB&XH đã xây dựng Kế hoạch bồi dưỡng nâng cao năng lực về kỹ năng quản lý, làm việc và chăm sóc NKT cho cán bộ hội phụ nữ cấp thôn, khu; tập huấn các kỹ năng sống cho NKT nhằm tăng cường nhận thức, kỹ năng làm việc cho đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ cấp thôn, khu phố về thực hiện chế độ chính sách, kỹ năng làm việc, trợ giúp đối với NKT (3 lớp tại huyện Bình Liêu và Ba Chẽ). Trang bị các kiến thức về kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tự phục vụ, kỹ năng tự chăm sóc bản thân cho chính những NKT, tạo điều kiện để NKT và những người chăm sóc NKT được tiếp cận những chính sách, kiến thức, kỹ thuật mới giúp cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống (5 lớp tại TP. Móng Cái, huyện Hải Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ).

Bên cạnh các chính sách, chương trình trợ giúp NKT của Nhà nước và tỉnh, Quảng Ninh cũng tích cực vận động xã hội để có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa cho nhóm đối tượng này, nhằm giúp họ vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Đơn cử, chỉ riêng Hội Bảo trợ NKT - Trẻ mồ côi tỉnh Quảng Ninh, từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9, đã phối hợp các cấp, ngành, chính quyền địa phương, vận động từ các nguồn xây dựng mới 5 nhà tình thương cho trẻ mồ côi, khuyết tật số tiền 250 triệu đồng; trao tặng 217 xe đạp trị giá 413 triệu đồng; khen thưởng cho 357 học sinh mồ côi, khuyết tật tổng trị giá 297 triệu đồng; đỡ đầu hàng tháng thêm 41 học sinh, sinh viên tổng trị giá 246 triệu trong năm học 2022-2023, nâng tổng số học sinh mồ côi, khuyết tật được Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh trực tiếp chắp nối đỡ đầu hàng tháng lên 91 em.

Tính đến hết tháng 9 năm 2022, Hội Bảo trợ NKT-TMC tỉnh kết nối hỗ trợ cho tổng số 1.430 học sinh, sinh viên khuyết tật, mồ côi trên địa bàn tỉnh, tổng giá trị thụ hưởng trên 1,1 tỷ đồng.