Hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch đặt ra
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh, đến thời điểm này, Sở đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể : Giải quyết việc làm ước cả năm là 28.500 lao động; đạt 103,63% KH năm. 100% đối tượng người có công có mức sống bằng và cao hơn mức sống của dân cư nơi cư trú; 100% xã phường được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh gia đình liệt sỹ và người có công
Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 theo tiêu chí mới ước còn 3,54%; giảm 1,02% so với năm 2015, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 0,32%. 100% đối tượng bảo trợ xã hội được thụ hưởng đầy đủ các chính sách, chế độ của Nhà nước; 100% trường hợp rủi ro được trợ cấp, trợ giúp kịp thời, đúng chế độ; Tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc đạt 95%; 90% số xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em
Tuyển sinh dạy nghề ước cả năm 2016 tuyển sinh mới dạy nghề cho 30.000 người, đạt 100% KH năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 68%.
Đặc biệt, năm nay tỉnh đã thực hiện kết nối đào tạo nghề theo địa chỉ. Trước đây các cơ sở dạy nghề đào tạo theo kiểu có gì đào tạo nấy nhưng giờ đã kết hợp với doanh nghiệp, các cơ sở dạy nghề cam kết với nhau cùng xây dựng giáo trình, giáo án, sau này khi đào tạo xong sẽ cung cấp lao động cho doanh nghiệp. Tỉnh cũng tổ chức rất nhiều phiên giao dịch việc làm ở các huyện, thị xã, thành phố, nơi có nhu cầu tuyển lao động lớn, các khu kinh tế, khu công nghiệp, các huyện khó khăn.
Theo Giám đốc Nguyễn Thế Thịnh, để triển khai hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu thuộc lĩnh vực lao động, người có công và xã hội trên địa bàn tỉnh, đồng thời triển khai đầy đủ, kịp thời các cơ chế chính sách, pháp luật của nhà nước thuộc lĩnh vực của ngành năm 2016 và cho cả giai đoạn 2016 - 2020, Sở đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách đặc thù của tỉnh và các quyết định, kế hoạch để triển khai nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành quản lý, xây dựng kế hoạch, chương trình công tác năm để định hướng, cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm của ngành tại địa phương…
Là vùng đất mở, vấn đề an toàn lao động luôn được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm
Có nhiều cơ chế riêng để hỗ trợ cho các đối tượng NCC, bảo trợ xã hội
Giám đốc Nguyễn Thế Thịnh cho biết, Quảng Ninh cũng là một trong số ít địa phương có nhiều cơ chế riêng để hỗ trợ cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Sở cũng đã đề nghị với tỉnh mở rộng đối tượng hưởng trợ cấp xã hội theo Nghị định 136. Theo đó, những đối tượng như người ốm đau, bệnh hiểm nghèo, người già cả ốm đau không có khả năng lao động để có thu nhập thuộc các hộ nghèo cũng sẽ được hưởng trợ cấp. Theo quy định của Nghị định 136, Trung ương quy định mức trợ cấp là 270 nghìn/ người/ tháng nhưng Quảng Ninh là 300 nghìn đồng/ người/ tháng. Tỉnh sẽ có khoảng 3.000 đối tượng được hưởng trợ cấp. Ngoài ra, ở Quảng Ninh, đối tượng cai nghiện dù là bắt buộc hay tự nguyện đều được tỉnh hỗ trợ kinh phí bằng ngân sách tỉnh.
Là vùng đất mỏ, nên an toàn lao động ở Quảng Ninh luôn là vấn đề “nóng”.Tỉnh luôn đứng top 5 trong cả nước về số vụ tai nạn chết người cao nhất. Sở LĐ-TB&XH tỉnh luôn yêu cầu ngành than tăng cường huấn luyện an toàn lao động, ý thức đảm bảo an toàn và cải tiến điều kiện làm việc để đảm bảo an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó là tăng cường việc kiểm tra, nhắc nhở, thậm chí là đình chỉ những vị trí sản xuất hoặc những thiết bị phát hiện những dấu hiệu không an toàn.
“Thậm chí năm nay cũng chúng tôi cũng đề nghị khởi tố một đơn vị không đảm bảo an toàn lao động. Công tác thanh tra an toàn lao động cũng được thực hiện thường xuyên. Cách thức tranh tra cũng thay đổi, khi thanh tra cán bộ sẽ xuống thẳng vị trí sản xuất, xuống tận hầm lò để xem nếu không an toàn thì xử lý luôn, chứ không phải đến để nghe báo cáo. Thanh tra đôt xuất chứ không phải thông báo, phát lệnh trước để ngăn ngừa việc thanh tra một cách hình thức”- ông Thịnh nhấn mạnh.