Ngành Y tế tỉnh ưu tiên đặc biệt cho công tác chăm sóc sức khoẻ NCC. Bên cạnh triển khai những chính sách theo quy định, ngành Y tế tỉnh đã phối hợp với các địa phương, tổ chức, đoàn thể, nhất là Hội CCB, Bộ CHQS, BĐBP, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh… tổ chức nhiều đợt khám, tư vấn, cấp phát thuốc miễn phí, tặng quà cho NCC, cựu quân nhân, nạn nhân chất độc da cam, thân nhân NCC trên địa bàn, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn nhiều khó khăn.
Từ năm 2018 đến nay, ngành Y tế Quảng Ninh đã triển khai Dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh được ngành Y tế giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho 300 nạn nhân chất độc hóa học mỗi năm. Tại Bệnh viện, các nạn nhân chất độc hóa học được các y, bác sĩ thăm khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe và các chế độ ăn uống, ngủ, nghỉ. Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, cán bộ Bệnh viện còn tuyên truyền, phổ biến những chính sách liên quan đến người cao tuổi; tư vấn, hướng dẫn cách phòng tránh bệnh thường gặp. Đồng thời, tổ chức tập huấn và hướng dẫn nâng cao kiến thức cho nạn nhân, người nhà nạn nhân trong phát hiện sớm và can thiệp sớm các vấn đề về sức khỏe, các kỹ năng chăm sóc, phục hồi chức năng cho các nạn nhân tại nhà.
Nói về nhiệm vụ chăm sóc các đối tượng là người có công, Bác sĩ Phạm Quang Dũng, Giám đốc Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, cho biết: Hiện đa số NCC tuổi cao, là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học mang trong người vết thương chiến tranh. Những người này đều có bệnh, một số người mắc bệnh mạn tính, sức yếu, đi lại khó khăn. Vì thế, việc chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng giúp cho nhiều người có cơ hội khám bệnh, hiểu đúng về tình trạng sức khỏe của bản thân, từ đó có chế độ sinh hoạt, luyện tập, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Cùng với Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho NCC, đối tượng chính sách khi đến khám, điều trị. Đối với những người tuổi cao, sức yếu, nhất là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh nặng, khó khăn đi lại, luôn được nhân viên y tế hỗ trợ làm thủ tục khám, chữa bệnh, thường xuyên thăm hỏi, động viên kịp thời, giúp họ yên tâm điều trị.
Trung tâm Điều dưỡng NCC tỉnh hằng năm theo dõi sức khỏe, lập hồ sơ bệnh án từng đối tượng NCC; phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám sức khỏe ban đầu, có chỉ định chăm sóc, chế độ dinh dưỡng phù hợp với bệnh lý của từng người. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong năm nay Trung tâm tiếp tục tổ chức các đợt điều dưỡng NCC gắn với triển khai nghiêm túc, chặt chẽ công tác phòng, chống dịch, đặt an toàn sức khoẻ của NCC lên hàng đầu. Từ đầu năm 2021 đến nay, Trung tâm thực hiện 21 đợt điều dưỡng cho 2.458 NCC; tổ chức 18 chuyến tham quan tỉnh ngoài và tại TP Móng Cái cho 1.774 NCC. Qua đó, đã tạo điều kiện để NCC ôn lại kỷ niệm, động viên nhau tiếp tục cống hiến, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng…
Để công tác chăm sóc NCC ngày một tốt hơn, Trung tâm quan tâm cử cán bộ, viên chức tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng theo kế hoạch của Sở LĐ-TB&XH; thực hiện quy trình luân chuyển, bổ nhiệm lại cán bộ lãnh đạo quản lý cấp phòng tại đơn vị, đảm bảo theo đúng quy định. Đồng thời, chú trọng rà soát, sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế các trang thiết bị máy móc phục vụ điều dưỡng tại các bộ phận phục vụ đảm bảo hoạt động tốt, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ điều dưỡng NCC tại đơn vị.
Trung tâm Giải độc và Phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin thuộc Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng duy trì tốt hoạt động; trong đó áp dụng phương pháp giải độc dioxin qua xông hơi cho hàng trăm nạn nhân chất độc da cam/dioxin mỗi năm…