Một trong những chủ trương lớn của tỉnh Quảng Ninh là việc xây dựng thực hiện Chương trình xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm. Đây có thể coi là một trong những điểm nhấn quan trọng trong thành tựu bảo đảm ASXH của tỉnh những năm qua. Nhờ đó, tỉnh luôn thực hiện tốt các chính sách xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo đã có những chuyển biến lớn.
Theo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, tỉnh Quảng Ninh xác định đầu tư các nguồn lực cho việc giải quyết các vấn đề xã hội và ASXH là đầu tư cho phát triển, là điều kiện quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững, công tác này ngày càng được tỉnh chú trọng, đi vào chiều sâu. Chính sách ASXH được triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng như: Y tế, giáo dục, dạy nghề; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, giải quyết việc làm; phát triển cơ sở hạ tầng cho các địa phương.
Coi giải quyết việc làm là cơ sở để giảm nghèo bền vững, tỉnh đã hỗ trợ cung ứng, tuyển dụng, thu hút lao động cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển thị trường lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ. Từ năm 2020-2022, trung bình tỉnh tạo việc làm tăng thêm cho khoảng 14.000 lao động/năm. Số người đã được tạo việc làm tăng thêm tập trung chủ yếu vào khu vực công nghiệp - xây dựng (55,03%) và thương mại - dịch vụ (44,97%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh ước tạo việc làm tăng thêm cho 9.600 người. Cùng với đó, tỉnh đã triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo không có khả năng lao động, đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Trong 3 năm (2020-2022), tổng chi an sinh, phúc lợi xã hội trên địa bàn tỉnh đạt trên 6.000 tỷ đồng, gấp 2 lần so với trước đó. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, con số này đạt 1.037 tỷ đồng, tăng 81% so cùng kỳ năm 2022 (cùng kỳ là 573 tỷ đồng). Nguồn NSNN chi cho an sinh, phúc lợi xã hội tập trung vào các chính sách việc làm, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, cứu trợ, chăm lo nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi...
Tỉnh cũng đã thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi (đạt 99,8%); hỗ trợ chính sách đặc thù cho 6.218 lượt trẻ em theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số tiền 9,84 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; bao phủ BHYT đạt 95,2%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động. Các cơ chế, chính sách an sinh xã hội đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực này là nền tảng cho tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững.
Không chỉ nâng chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, Quảng Ninh còn nhiều chính sách riêng có nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, tiêu biểu như: Người tham gia BHXH tự nguyện thường trú trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ thêm ngoài mức hỗ trợ theo quy định của Chính phủ (hộ nghèo và cận nghèo được hỗ trợ 30%, đối tượng còn lại nhận hỗ trợ 20% mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn); hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho hộ cận nghèo (Trung ương là 70%); hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT cho người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác (quy định của Trung ương là từ 80 tuổi trở lên); hỗ trợ 80% chi phí mua BHYT cho người thuộc hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình (Trung ương là 30%)... Hiện tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 94,25% dân số.
Cùng với đó, Quảng Ninh đang tổ chức phát động và triển khai cuộc vận động huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu xóa nhà ở tạm, nhà dột nát trên địa bàn năm 2023, phấn đấu đến dịp Quốc khánh 2/9/2023 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người neo đơn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng trọng yếu, đối tượng bảo trợ xã hội… Quảng Ninh cũng đã xây dựng và triển khai Đề án phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ngành than, KCN, phấn đấu đến năm 2025 khởi công xây dựng khoảng 25.000 căn hộ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và người lao động; đáp ứng khoảng 50% tổng nhu cầu nhà ở xã hội của các đối tượng có thu nhập thấp. Mặt khác, tỉnh và các địa phương cũng tích cực thực hiện các giải pháp nhằm đạt mục tiêu phấn đấu năm 2023 tạo 20.000 việc làm mới tăng thêm và giảm số người bị mất việc trong các doanh nghiệp. 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho 9.600 lao động.
Theo số liệu thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có hơn 40.000 đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Đây là con số không nhỏ, nếu không được chăm sóc, bảo vệ tốt ảnh hưởng đến ổn định xã hội trên địa bàn. Bởi vậy, từ rất nhiều năm nay, tỉnh luôn quan tâm đến công tác trợ giúp xã hội cho các đối tượng này. Cụ thể, ngay khi Nghị định 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được Chính phủ ban hành có hiệu lực, ngày 16/7/2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn khác trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người sinh sống tại cộng đồng, cao gấp 1,3 lần so với mức chuẩn của Trung ương (giai đoạn 1/8/2021 đến 31/12/2022 mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 450.000 đồng/tháng; từ ngày 1/1/2023 trở đi mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng là 500.000 đồng/tháng).
Ngoài nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội, nghị quyết trên còn mở rộng thêm một số nhóm đối tượng như: Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh; người cao tuổi không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo; người từ đủ 70 tuổi trở lên đến dưới 80 tuổi không có lương hưu, không được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được cấp thẻ BHYT theo các chính sách khác khi chết được hỗ trợ chi phí mai táng.