Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh hỗ trợ 100% kinh phí cai nghiện tự nguyện

Thời gian qua, công tác tổ chức cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy tại Quảng Ninh đã được tỉnh quan tâm, tập trung chỉ đạo và xây dựng các chính sách và huy động mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả công tác này, góp phần đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh.

Công tác cai nghiện và quản lý sau cai được đặc biệt chú trọng

Ngày 07/12/2018, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 144/2018/NQ-HĐND quy định chính sách thực hiện cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, sau hơn 4 năm tổ chức thực hiện, Nghị quyết 144 đã đem lại những hiệu quả rõ rệt trong công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy tại địa phương: Công tác dự phòng nghiện, cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy được chú trọng; người nghiện ma túy được tạo điều kiện thuận lợi, kịp thời thực hiện điều trị, cai nghiện theo quy định của pháp luật; công tác họp xét, đề nghị, áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được tổ chức kịp thời; công tác theo dõi, hỗ trợ, quản lý người nghiện, người cai nghiện và người sau cai nghiện ma túy được nâng cao, các đối tượng được quản lý chặt chẽ; người cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được hỗ trợ kinh phí học nghề, tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Nhờ đó đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, kiềm chế, làm giảm tội phạm, tệ nạn về ma túy, tạo môi trường lành mạnh, an toàn. Đây cũng là Nghị quyết chứng minh Quảng Ninh là đơn vị đi đầu trong cả nước về hỗ trợ 100% kinh phí cai nghiện cho người tự nguyện cai nghiện tại Cơ sở, người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và được Bộ LĐ-TB&XH, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đánh giá cao và là mô hình điểm để các tỉnh trên cả nước học tập kinh nghiệm trong đổi mới công tác cai nghiện ma túy thời gian qua.

Kết quả từ năm 2019-2022, toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện cho 3.749 lượt người, trong đó tiếp nhận mới là 3.426 lượt người. Riêng Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh đã cai nghiện cho 2.930 lượt người; tại 05 cơ sở điều trị nghiện Methadone hằng năm điều trị bình quân cho 1.000 người. Trung bình mỗi năm có 2.000 lượt người được điều trị, cai nghiện, chiếm 83,9% số có hồ sơ quản lý.

Đặc biệt, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng được thực hiện khá hiệu quả; lồng ghép nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với thực hiện các chương trình bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn. Giai đoạn 2019-2022, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng cho 698 lượt người với tổng kinh phí hơn 1,45 tỷ đồng.

Ngoài việc tiếp tục duy trì hoạt động Tổ công tác cai nghiện cấp xã theo quy định của Nhà nước, một số địa phương tiếp tục triển khai có hiệu quả các mô hình thí điểm như: Mô hình Điểm tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ điều trị nghiện ma túy tại cộng đồng ở 6 xã, phường, thị trấn; mô hình Câu lạc bộ hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng tại 10 xã, phường, thị trấn; nâng cao chất lượng hoạt động của 25 Đội công tác xã hội tình nguyện tại 25 xã, phường, thị trấn.

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh trong giờ lao động trị liệu

Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Quảng Ninh trong giờ lao động trị liệu

Cần ban hành Nghị quyết mới về công tác cai nghiện ma túy

Tuy nhiên, cùng với kết quả nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 144 vẫn còn một số tồn tại: Một số địa phương trong tỉnh triển khai công tác cai nghiện ma túy chưa quyết liệt, thực hiện chậm hoặc thực hiện mang tính hình thức, lúng túng trong triển khai, nhất là thực hiện cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.

Từ năm 2019 đến nay, các địa phương trong tỉnh đã lập, thẩm định trên 600 hồ sơ đề nghị cai nghiện bắt buộc tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh và gần 700 hồ sơ cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, tuy nhiên kinh phí chi trả cho công tác này theo quy định hầu hết không được thực hiện do các địa phương chưa phân bổ kinh phí và thực hiện chi trả cho công tác này. Mặc dù đã có gần 700 lượt người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng, tuy nhiên mới chỉ có 03 người được hỗ trợ chi phí cai nghiện theo Nghị quyết số 144.

Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh đang đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết số 144 nhằm sửa đổi, bổ sung một số nội dung, mức hỗ trợ cho phù hợp với quy định hiện hành và tình hình thực tế. Trong thời gian chờ Nghị quyết mới, Sở LĐ- TB&XH cũng kiến nghị được tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% kinh phí cai nghiện cho người cai nghiện tự nguyện tại Cơ sở và chính sách hỗ trợ hàng tháng cho đối tượng lao động hợp đồng theo Nghị định số 161/2018/NĐ-CP cùng các công chức quản lý, theo dõi công tác cai nghiện ma túy thuộc Sở./.