Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các hội, đoàn thể đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động, làm chuyển biến và nâng cao ý thức thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo, làm giàu của người dân, nhất là với các hộ nghèo.
Qua hoạt động truyền thông, thông tin về công tác giảm nghèo, nhận thức, ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt, tạo được sự đồng thuận cao trong việc thực hiện nhiệm vụ giảm nghèo ở các cấp, từ đó giáo dục ý thức tự lực, tự cường, động viên các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chương trình được quan tâm chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở.

Sau khi Thủ tướng ký ban hành Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh đã ban hành các văn bản, chính sách hỗ trợ thực hiện. Chương trình ban hành kịp thời, đáp ứng yêu cầu và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; hệ thống các văn bản cơ bản có sự thống nhất so với mục tiêu chung của chương trình mục tiêu quốc gia, có sự kế thừa trong từng giai đoạn.
Các sở, ban, ngành căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao, thường xuyên có văn bản triển khai thực hiện các chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với tổ chức, người dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định của chương trình, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã đều có quy chế hoạt động và phân công nhiệm vụ cho các thành viên ban chỉ đạo. 13/13 uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo gắn với mục tiêu cụ thể, đảm bảo thống nhất trong chỉ đạo và huy động nguồn lực hiện chương trình đạt hiệu quả.
Trong 3 năm (2021-2023), tỉnh cho biết đã huy động nguồn lực trên 118 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện Nghị quyết 06 và các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Trong đó, vốn tín dụng và xã hội hóa chiếm tới 84%, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.
Còn vốn ngân sách nhà nước chỉ chiếm khoảng 16%, tập trung vào xây dựng các công trình, hạ tầng động lực mang tính chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, nâng cao hệ thống y tế, giáo dục,... Từ sự thống nhất, đồng lòng, quyết tâm cao và cách làm chủ động, sáng tạo, đột phá, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06 và các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều “trái ngọt”.
Đến cuối năm 2023, theo chuẩn nghèo của tỉnh, Quảng Ninh còn 246 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,064% và 3.063 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,797% tổng số hộ dân toàn tỉnh; các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo đã hoàn thành trước so với kế hoạch. Đời sống người dân không ngừng được cải thiện, diện mạo, cảnh quan ở địa phương thay đổi từng ngày.
Tính đến hết năm 2023, riêng thu nhập bình quân đầu người tại 67 xã, thị trấn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh đã đạt 73,348 triệu đồng/người/năm; tăng 1,7 lần so với năm 2020; cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người cả nước và cao hơn khoảng 2,8 lần so với mục tiêu chung đến năm 2025 của cả nước.
Trên địa bàn tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn theo tiêu chí mới của Trung ương. 100% các hộ dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo đều có nhà ở kiên cố; được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số sử dụng nước sạch theo Quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT đạt 67,17%; được dùng lưới điện quốc gia và phủ sóng điện thoại di động...
Nhờ triển khai sâu rộng các chương trình, dự án, nhận thức về giảm nghèo và ý chí vươn lên thoát nghèo của hộ nghèo được nâng lên; những tấm gương quyết tâm vươn lên thoát nghèo xuất hiện ở hầu hết các địa phương; các dịch vụ xã hội cơ bản đã đến với người nghèo, cơ sở hạ tầng được tăng cường đáng kể, đời sống người nghèo ở Quảng Ninh từng bước được cải thiện.