Quảng Ninh hiện có trên 485.000 phụ nữ và trẻ em gái, chiếm gần 40% dân số toàn tỉnh. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái vẫn phải chịu thiệt thòi so với nam giới do tư tưởng trọng nam, khinh nữ vẫn còn tồn tại trong một bộ phận người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình nghiêm trọng mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em gái.
Để nâng cao hiệu quả công tác bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, từ nhiều năm nay, tỉnh đã ban hành các chương trình, kế hoạch về nội dung này. Các ngành, địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng các mô hình điểm về phòng, chống bạo lực, thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ, trẻ em gái.
Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đang duy trì 33 mô hình bình đẳng giới (BĐG), 119 Câu lạc bộ hôn nhân gia đình và BĐG, cùng hàng trăm địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh, số điện thoại đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình ở cấp xã. Trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh đã triển khai thí điểm 17 Mô hình trẻ em và BĐG. Các mô hình đã tác động trực tiếp và hiệu quả tới đối tượng trẻ em, gia đình, lực lượng cán bộ làm công tác trẻ em và BĐG trong các ngành, địa phương; đã hỗ trợ hơn 1 nghìn phụ nữ và trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, hoàn cảnh khó khăn, tạo điều kiện cho nhóm này được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ. Thông qua các mô hình đã nâng cao năng lực, kiến thức cho trẻ em, phụ nữ, nam giới và người có nguy cơ bị bạo lực.
Đặc biệt, năm 2020, Ngôi nhà Ánh Dương, nơi cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực giới được ra thành lập tại Quảng Ninh. Tại đây, các nạn nhân được hỗ trợ tư vấn, tham vấn qua đường dây nóng tổng đài 1800.1769 miễn phí. Ngoài ra, các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới được cung cấp các dịch vụ thiết yếu hoàn toàn miễn phí 24/7 như: Cung cấp nơi tạm lánh an toàn trong trường hợp khẩn cấp (bao gồm cả hỗ trợ tài chính ăn, mặc, đi lại); tư vấn, tham vấn khủng hoảng ổn định tâm lý; chăm sóc và hỗ trợ y tế, chuyển tuyến và kết nối hỗ trợ tư pháp, trang bị kỹ năng sống; kết nối cung cấp dịch vụ hỗ trợ sinh kế (dạy nghề và tạo việc làm); kết nối các dịch vụ xã hội khác phù hợp với nhu cầu và vấn đề của nạn nhân.
Nhằm đảm bảo việc phòng, chống bạo lực giới, xâm hại trẻ em được thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, tránh chồng chéo và hạn chế khoảng trống; nâng cao trách nhiệm giải trình của từng cơ quan, đơn vị, cá nhân trong thực hiện quy trình điều phối và trong từng hoạt động phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp, xử lý bạo lực giới, xâm hại trẻ em, huy động nguồn lực, tập trung giải pháp nhằm phát huy tối đa hiệu quả cung cấp các dịch vụ thiết yếu hỗ trợ người bị bạo lực giới, trẻ em bị xâm hại, ngày 6/9/2021 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành Quyết định số: 2996/QĐ-UBND về ban hành quy chế phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Quy chế này quy định về nguyên tắc, nội dung, quy trình, trách nhiệm phối hợp giữa các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan ở các cấp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong việc phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em. Đối tượng tác động ở đây là người bị bạo lực hoặc có nguy cơ cao bị bạo lực trên cơ sở giới; trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ cao bị xâm hại; thân nhân, người bảo vệ, người giám hộ và cá nhân có liên quan.
Đối tượng thực hiện hoạt động phối hợp liên ngành gồm: Ủy ban nhân dân các cấp; Ngành chức năng cấp tỉnh, huyện, xã; các tổ chức chính trị – xã hội và tổ chức xã hội có liên quan; Các cơ sở trợ giúp người bị bạo lực trên cơ sở giới (người bị bạo lực giới), trẻ em bị xâm hại gồm: Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh, Cơ sở bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh; các Văn phòng Công tác xã hội, Địa chỉ tin cậy, Nhà tạm lánh được thành lập theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền; Cơ sở y tế công lập, Trung tâm giám định pháp y tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh Quảng Ninh.
Trong Quy chế quy định rõ: Cơ quan thường trực điều phối các hoạt động liên ngành ở các cấp là cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội ở cấp đó; Cơ quan đầu mối cung cấp dịch vụ thiết yếu ở tuyến tỉnh là Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm chủ trì và kết nối với các ngành, đơn vị, tổ chức liên quan để cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân; UBND cấp xã là đơn vị quản lý toàn bộ hồ sơ và quá trình trợ giúp, hòa nhập cho nạn nhân; tìm kiếm dịch vụ, kết nối, chuyển tuyến trong quá trình trợ giúp nạn nhân khi vượt quá khả năng và thẩm quyền của cấp xã.
Với những giải pháp đồng bộ cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội đã góp phần đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình xây dựng xã hội bình đẳng cho cả phụ nữ và nam giới.