RNTT là gì, tại sao ngày càng nhiều trẻ em bị RNTT?
Rối nhiễu tâm trí (RNTT) là tình trạng lệch lạc về sức khỏe tâm trí vượt qua ngưỡng tự điều chỉnh của cơ thể. Những năm gần đây, tỷ lệ RNTT đang có chiều hướng gia tăng ở các nước đang phát triển nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), RNTT đứng thứ 5 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật.
Hiện nay, số trẻ em bị RNTT đang ngày càng gia tăng. Có rất nhiều nguyên nhân gây RNTT ở trẻ em có thể do bẩm sinh (môi trường ô nhiễm, nhiều hóa chất độc hại, biến đổi gen…), hoặc do tác động từ môi trường sống (như sự chăm sóc, giáo dục trẻ chưa phù hợp của các bậc phụ huynh, tình trạng sử dụng chất kích thích, sự bùng nổ của công nghệ 4.0...)
Trẻ bị RNTT không hòa nhập với các thành viên trong gia đình, với bạn ở trường học và với cả cộng đồng, sống thu mình, tự ti về bản thân, học tập sa sút, chán học, bỏ học, có các suy nghĩ và hành vi tiêu cực như tự hủy hoại bản thân, thậm chí là tự tử.
Nếu trẻ RNTT không được phát hiện và chẩn đoán sớm, sẽ dẫn đến bệnh tâm thần, làm gia tăng gánh nặng bệnh tật và hệ lụy cho bản thân trẻ và cho toàn xã hội. Ngược lại, nếu trẻ em bị RNTT được can thiệp sớm, đúng cách, có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
10,1% trẻ em Quảng Ninh RNTT, tự kỷ
PV: Thưa bà, hiện nay số trẻ em RNTT đang ngày càng gia tăng, ở Quảng Ninh, có khoảng bao nhiêu trẻ bị RNTT?
Bà Hoàng Minh Hoa - Giám đốc Trung tâm CTXH Quảng Ninh: Để việc phòng ngừa và tư vấn trị liệu RNTT trẻ em hiệu quả, từ năm 2012, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp nhằm giảm thiểu RNTT trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Qua nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ RNTT, tự kỷ ở trẻ em là 10,1% (trên phạm vi chọn mẫu tổng số 3.656 trẻ được điều tra). Như vậy, cứ 10 trẻ thì có ít nhất 01 trẻ mắc chứng RNTT, tự kỷ, trong đó tỷ lệ cao nhất thuộc nhóm trẻ từ 11- 16 tuổi (chiếm gần 17%), tiếp đến là nhóm trẻ từ 2- 5 tuổi (chiếm khoảng 12%), nhóm trẻ từ 6-10 tuổi có tỷ lệ rối nhiễu thấp nhất (chiếm 3%). Điều này được lý giải bởi trẻ từ 11-16 tuổi chịu nhiều áp lực từ học tập, bạn bè và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài hơn nhóm trẻ ở các đội tuổi còn lại; trong khi đó, nhóm trẻ tử 2-5 tuổi lại có xu hướng bị chi phối và ảnh hưởng quyết định bởi các yếu tố gia đình, đặc biệt là các đặc điểm của cha, mẹ trong thời gian khủng hoảng tâm lý, hoặc thời gian mẹ mang thai gặp stress, mẹ bị trầm cảm sau sinh... Nhóm trẻ 6-10 tuổi chiếm tỷ lệ thấp nhất bởi đây là giai đoạn chuyển tiếp giữa gia đình và nhà trường, nhóm này chịu áp lực học tập ít hơn nhóm 11-16 tuổi và ít chịu tác động bởi các yếu tố gia đình hơn nhóm 2-5 tuổi.
Cán bộ Trung tâm CTXH Quảng Ninh trị liệu RNTT cho trẻ em.
Phòng ngừa, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ điều trị RNTT cho trẻ em
Năm 2019, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã làm gì để giúp các bậc phụ huynh và nhà trường phòng ngừa RNTT cho trẻ em tại địa phương?
Nhằm giúp người dân có hiểu biết đúng đắn về căn bệnh này để có phương pháp can thiệp và trị liệu kịp thời, chúng tôi đã in và cấp phát 10.000 tờ rơi về trẻ tự kỷ và RNTT tới cộng đồng.
Mặt khác, chúng tôi cũng tổ chức truyền thông, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, RNTT, trầm cảm và các dịch vụ trợ giúp cho 9.600 giáo viên và học sinh tại 40 trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên và TP. Cẩm Phả.
Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã tích cực phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Hạ Long tổ chức 07 lớp tập huấn hướng dẫn phương pháp đánh giá, nhận biết trẻ rối loạn hành vi để can thiệp sớm cho hơn 544 phụ huynh bậc mầm non trên địa bàn TP. Hạ Long.
Bên cạnh công tác phòng ngừa, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã tư vấn và điều trị cho bao nhiêu trường hợp trẻ em bị RNTT?
Từ năm 2013 - 2018, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã hình thành mô hình tâm lý trị liệu cho trẻ em RNTT, tự kỷ với số trẻ được tiếp nhận khám sàng lọc miễn phí là 741 trẻ, trị liệu miễn phí cho 407 trẻ hòa nhập cộng đồng. Mô hình này đã được người dân biết đến và sử dụng ngày càng nhiều, nhiều gia đình có nhu cầu, nguyện vọng cho con em tham gia trị liệu và tự nguyện chi trả phí dịch vụ trị liệu tại Trung tâm để được can thiệp, trị liệu, kể cả ngoài giờ hành chính hoặc qua các hình thức khác.
Mặt khác, trong những năm gần đây, thực hiện Đề án tinh giản bộ máy biên chế, Trung tâm không được sử dụng lao động hợp đồng từ ngân sách nhà nước nữa, vì vậy số trẻ em đang được trị liệu tâm lý miễn phí tại Trung tâm không được tiếp tục trị liệu. Trước vấn đề đó, trên cơ sở nhu cầu và đề nghị của rất nhiều bậc phụ huynh và tình hình thực tế về vấn đề RNTT ở trẻ em như hiện nay, từ năm 2019 đến năm 2021, Trung tâm triển khai Đề án dịch vụ thí điểm mô hình sàng lọc, trị liệu tâm lý cho trẻ tự kỷ, RNTT có thu phí tại Trung tâm. Trung tâm đã tiếp tục được ký hợp đồng với những người có chuyên môn phù hợp và tiếp tục đào tạo để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nhân viên, điều đó đã giải quyết được một cách cơ bản nhu cầu của các bậc phụ huynh có con bị tự kỷ, RNTT, giúp trẻ có cơ hội được phát triển bình thường, giúp các bậc phụ huynh giảm thiểu được thời gian và chi phí điều trị so với những nơi khác.
Tính riêng 11 tháng năm 2019, Trung tâm đã khám sàng lọc, tư vấn RNTT, tự kỷ cho 50 trẻ; số trẻ em được can thiệp, trị liệu tâm lý thường xuyên có thu phí tự nguyện tại Trung tâm là 24 trẻ.
Ngoài ra, Trung tâm còn phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện Hải Hà và TP. Móng Cái thực hiện khám sàng lọc đánh giá đối với 40 trẻ có biểu hiện RNTT và 30 người có biểu hiện trầm cảm tại cộng đồng.
Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động khám sàng lọc, đánh giá, tư vấn và trị liệu đối với trẻ RNTT, trẻ tự kỷ và người bệnh trầm cảm tại Trung tâm và cộng đồng.
Thanh Huyền (thực hiện)/GĐ&TE