Thực hiệu Đề án 32, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã giao cho Trung tâm CTXH tỉnh tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề CTXH và các dịch vụ trợ giúp xã hội.
Tiếp nối những thành quả đã đạt được trong giai đoạn 2010 – 2015, giai đoạn 2015-2020, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã phối hợp với Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Quảng Ninh thực hiện 9 phim phóng sự tuyên truyền về các hoạt động của Trung tâm với các nội dung “Quảng Ninh - Từng bước chuyên nghiệp hóa nghề CTXH”; “Sơ kết 5 năm triển khai Đề án phát triển nghề CTXH tại Quảng Ninh”; “CTXH với người trầm cảm tại cộng đồng”.
Phối hợp các cơ quan báo chí trung ương và địa phương viết và đưa tin về các hoạt động phát triển nghề CTXH tại Quảng Ninh; Đăng tải hơn 232 tin bài về hoạt động của Trung tâm CTXH lên website www.congtacxahoiquangninh.vn của Trung tâm và cổng thông tin điện tử của Sở, Cục Bảo trợ Xã hội và các trang điện tử khác của ngành về hoạt động của Trung tâm CTXH.
Truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về nghề CTXH và các dịch vụ trợ giúp xã hội hiện đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Ngoài ra, Trung tâm CTXH Quảng Ninh cũng đã tổ chức biên tập, biên soạn và cấp phát 15.000 cuốn tài liệu về kỹ năng chăm sóc trẻ tự kỷ, người trầm cảm và tâm thần dành cho gia đình đối tượng và cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội. In ấn 19.500 tờ rơi tuyên truyền về hoạt động trợ giúp cho người bán dâm tại cộng đồng, mạng lưới các đơn vị hỗ trợ cho người bán dâm; 20.000 tờ rơi tuyên truyền về hoạt động của mô hình Cà phê tư vấn; 19.500 tờ rơi tuyên truyền về hoạt động trợ giúp cho người bán dâm tại cộng đồng, mạng lưới các đơn vị hỗ trợ cho người bán dâm; 11.000 tờ áp phích tuyên truyền về trung tâm CTXH và các hoạt động của Trung tâm; 25.000 tờ rơi tuyên truyền về các vấn đề xã hội và 5.000 tờ áp phích truyền thông về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh; 41.000 tờ rơi về Mô hình Cà phê tư vấn; 15.000 tờ rơi về bình đẳng giới; 10.000 cuốn cẩm nang cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho trẻ em; 6.000 quyển “Tài liệu cung cấp một số kỹ năng trong trường hợp cần can thiệp, hỗ trợ khẩn cấp”. Qua đó, nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH đã được nâng cao, đồng thời tạo cơ hội cho các đối tượng yếu thế trong xã hội được biết, hiểu và tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp xã hội.
Mặt khác, Trung tâm cũng in ấn và phát hành 10.000 tờ rơi tuyên truyền về mô hình cung cấp dịch vụ xã hội cho người bán dâm tại cộng đồng, qua đó lồng ghép truyền thông về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm CTXH tỉnh Quảng Ninh; Sửa chữa, thay mới nội dung và duy trì hoạt động của 05 pano tuyên truyền của Trung tâm tại trục đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh. Thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa, thay mới nội dung 06 pano tuyên truyền trên địa bàn huyện Tiên Yên, TP. Cẩm Phả, Hạ Long, Móng Cái, thị xã Quảng Yên và xây dựng pano mới trên địa bàn huyện Đầm Hà.
Không chỉ truyền thông thông qua các tài liệu phát miễn phí, Trung tâm CTXH Quảng Ninh còn tích cực truyền thông phát triển CTXH trực tiếp tại cộng đồng.
Chỉ tính riêng giai đoạn từ 2015 đến nay, Trung tâm đã tổ chức 60 hội nghị tư vấn, trợ giúp lồng ghép với truyền thông cho 5.400 đối tượng bảo trợ xã hội, CTXH về các dịch vụ CTXH tại cộng đồng trên địa bàn 30 xã, thị trấn của huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái, Hoành Bồ. Tổ chức 08 hội nghị tư vấn, trợ giúp người tâm thần lồng ghép tuyên truyền chính sách pháp luật tại thị xã Đông Triều cho 480 gia đình có người thân/người chăm sóc đối tượng tâm thần nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của họ về cách chăm sóc và các chính sách pháp luật đối với người tâm thần và 26 lớp tư vấn, truyền thông về dịch vụ CTXH đang được cung cấp trên địa bàn tỉnh cho hơn 2.000 người dân tại Đầm Hà và Hải Hà.
Truyền thông, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí và các dịch vụ trợ giúp cho giáo viên và học sinh tại Trường THPT Lê Hồng Phong, huyện Đầm Hà.
Trung tâm còn phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức truyền thông, nói chuyện chuyên đề về sức khỏe tâm thần, rối nhiễu tâm trí và các dịch vụ trợ giúp cho 9.600 giáo viên và học sinh tại 40 trường THCS và THPT trên địa bàn huyện Đầm Hà, Tiên Yên và TP. Cẩm Phả.
Trang bị kỹ năng phòng chống tệ nạn xã hội cho 560 trẻ em có nguy cơ bị xâm hại tình dục, mua bán người tại cộng đồng trên địa bàn thị xã Quảng Yên, TP. Móng Cái, huyện Ba Chẽ, Hải Hà. Tổ chức hội nghị tư vấn, trợ giúp lồng ghép với truyền thông về các dịch vụ CTXH tại cộng đồng trên địa bàn 30 xã, thị trấn của huyện Đầm Hà, Tiên Yên, Bình Liêu, Hải Hà; 05 hội nghị truyền thông về cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới tại 05 xã, phường của TP. Móng Cái cho 400 đối tượng nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết tới cộng đồng dân cư về những kiến thức phòng, chống bạo lực gia đình, buôn bán người, xâm hại tình dục…; 03 hội nghị truyền thông về Câu lạc bộ Xanh lại ước mơ cho 150 đối tượng là trẻ em vi phạm pháp luật sau giáo dưỡng và gia đình trẻ tại 03 xã, phường của thị xã Đông Triều.
Thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, Trung tâm đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư về nghề CTXH, để người dân hiểu về chức năng, nhiệm vụ, các hoạt động của Trung tâm CTXH; hiểu về trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội trong chăm sóc và phục hồi chức năng cho các đối tượng yếu thế; nâng cao kiến thức, kỹ năng trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người rối nhiễu tâm trí, người tâm thần dựa vào cộng đồng, giúp người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ CTXH trên địa bàn tỉnh…
Có thể thấy trong giai đoạn 5 năm cuối thực hiện Đề án 32 (2010 - 2020), Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã thực hiện tốt các hoạt động truyền thông về phát triển nghề CTXH tại cộng đồng, nhờ đó người dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của nghề CTXH, từ đó hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ CTXH như: tư vấn qua tổng đài 18001769; sàng lọc rối nhiễu tâm trí và trầm cảm...
Để đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng về nghề CTXH, phát triển hơn nữa các dịch vụ CTXH đang được triển khai, 6 tháng cuối năm 2020, Trung tâm CTXH Quảng Ninh đã lên kế hoạch tổ chức 26 hội nghị truyền thông tại cộng đồng cho người dân, trong đó tập trung chủ yếu vào các nhóm đối tượng yếu thế, đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn, gia đình có đối tượng bảo trợ xã hội, đại diện các ban ngành, đoàn thể ở địa phương như Hội chữ thập đỏ, Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh…
Nhờ các hoạt động truyền thông mạnh mẽ trên, nghề CTXH tại Quảng Ninh ngày càng được phát triển, góp phần đảm bảo an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn, giúp Quảng Ninh trở thành một trong những tỉnh thành có nền kinh tế - xã hội phát triển ổn định và bền vững.
Bài: Phương Anh, Ảnh: Trung tâm CTXH Quảng Ninh cung cấp