Quay lại Dân trí
Dân Sinh

Quảng Ninh triển khai Dự án “Tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ sức khỏe tâm thần do bệnh trầm cảm ở Việt Nam”

Thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Đại học Simon Fraser (Canada) và Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (Việt Nam) thực hiện dự án “Tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ Sức khỏe tâm thần do bệnh trầm cảm ở Việt Nam” AIMDIV tại 8 tỉnh, thành phố từ 2022-2025, trong đó có tỉnh Quảng Ninh.

Căn cứ Công văn số 361/BTXH-CTXH ngày 20/6/2022 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) về việc triển khai, thực hiện dự án “Tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ sức khỏe tâm thần do bệnh trầm cảm ở Việt Nam” AIMDIV, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Kế hoạch triển khai, thực hiện Dự án “Tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ sức khỏe tâm thần do bệnh trầm cảm ở Việt Nam” AIMDIV trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2022-2026.

Dự án “Tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ sức khỏe tâm thần do bệnh trầm cảm ở Việt Nam” AIMDIV được triển khai tại 02 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là huyện Đầm Hà với 6 xã tham gia: Tân  Bình, Tân Lập, Dực Yên, Quảng Lâm, Quảng Tân, Đầm Hà và thị xã Quảng Yên với 6 xã, phường tham gia: Đông Mai, Minh Thành, Hà An, Nam Hòa, Sông Khoai, Liên Hòa.

Tại đây, các nhân viên công tác xã hội và y tế Quảng Ninh sẽ giới thiệu và triển khai ứng dụng VMood nhằm phát hiện, chăm sóc, quản lý người bệnh trầm cảm tại gia đình, cộng đồng, chuyển gửi người bệnh nặng lên các bệnh viện phù hợp; Tư vấn, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội phù hợp cho người bệnh và gia đình có người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí, trầm cảm; Nâng cao nhận thức về chăm sóc dự phòng bệnh tâm thần cho nhóm người có dấu hiệu bệnh trầm cảm và rối nhiễu tâm trí.

Dự án có hai giai đoạn. Giai đoạn 1, triển khai các hoạt động trợ giúp, tư vấn, cung cấp các dịch vụ công tác xã hội đối với người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, người trầm cảm đến tất cả các hộ gia đình có người bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí, trầm cảm trên địa bàn thực hiện Dự án với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Dự án trong 02 năm đầu (2022-2024). Giai đoạn 2, mở rộng hoạt động hỗ trợ người rối nhiễu tâm trí, người trầm cảm sử dụng ứng dụng VMood đến các địa bàn khác tại tỉnh với vốn đối ứng từ tỉnh và sự trợ giúp kỹ thuật từ Cục Bảo trợ xã hội và từ Dự án trong 02 năm tiếp theo (2024-2026).

Quảng Ninh đặt chỉ tiêu phấn đấu mỗi xã, phường tham gia Dự án tối thiểu đạt 1.000 người dân cài đặt và sử dụng ứng dụng VMood; 100% số ca được xác định là trầm cảm nặng sẽ được giới thiệu, chuyển đến Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần của tỉnh để có biện pháp can thiệp phù hợp; 100% số ca được xác định là trầm cảm nặng sẽ được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công tác xã hội phù hợp tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh; Đồng thời, nhận thức của gia đình, chính quyền địa phương và cộng đồng trong việc chăm sóc người trầm cảm được cải thiện rõ rệt.

Hội nghị tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân trầm cảm tại Việt Nam do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 4/7/2022.

Hội nghị tiếp cận các sáng kiến về dịch vụ sức khỏe tâm thần cho bệnh nhân trầm cảm tại Việt Nam do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 4/7/2022.

Để nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia Dự án, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 01 hội thảo khởi động, giới thiệu về dự án, hoạt động can thiệp và các tài liệu kỹ thuật chăm sóc sức khỏe cho người trầm cảm tại cộng đồng. Tổ chức 02 lớp tập huấn: 01 lớp tập huấn cho nhóm nhân viên công tác xã hội tuyến tỉnh; 01 lớp tập huấn cho các cán bộ LĐ-TB&XH ở xã, phường cách tải và sử dụng ứng dụng VMood. Cử cán bộ công tác xã hội tuyến tỉnh tham gia lớp tập huấn về bệnh trầm cảm và cách tư vấn bệnh trầm cảm do Ban quản lý Dự án tổ chức học trực tuyến.

Bên cạnh đó, Tổ giúp việc cấp tỉnh chỉ đạo việc phối hợp giữa Trung tâm Công tác xã hội, phòng LĐ-TB&XH huyện Đầm Hà và thị xã Quảng Yên, UBND xã, phường tham gia mô hình thực hiện tổ chức họp dân và sàng lọc người có nguy cơ trầm cảm và người mắc bệnh trầm cảm thông qua ứng dụng VMood, tiến hành can thiệp kịp thời góp phần kéo giảm số người mắc bệnh trầm cảm và thực hiện tốt việc chăm sóc người bệnh trầm cảm tại cộng đồng; Xây dựng danh sách các chuyên gia tâm lý, tâm thần uy tín tại tỉnh để làm cơ sở chuyển gửi người bệnh trầm cảm nặng tập kỹ năng tự kiểm soát trầm cảm không tiến triển; Gửi tin nhắn Zalo có thông tin về hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng VMood cho người dân tại địa phương để đạt được ít nhất 1.000 người sử dụng/xã, phường.

Không chỉ nâng cao năng lực cho đội ngũ tham gia Dự án, Sở LĐ-TB&XH Quảng Ninh phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội, Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển và các chuyên gia quốc tế tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức để người dân biết nhiều hơn về ứng dụng VMood cũng như Dự án.

Cụ thể, Tổ giúp việc Dự án chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ các xã/phường xây dựng các nội dung và hoạt động truyền thông về ứng dụng VMood; chỉ đạo việc thực hiện các hoạt động truyền thanh và phát hành tờ rơi tuyên truyền về Dự án tới các xã, phường thực hiện Dự án, chú trọng các hoạt động truyền thông qua mạng xã hội như Facebook, Zalo… Đài Truyền thanh của các xã/ phường tham gia vào Dự án tổ chức phát thanh tuyên truyền ứng dụng VMood 02 lần/tháng và truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về trầm cảm, cách chăm sóc người bệnh trầm cảm tại gia đình, cộng đồng, những biện pháp phòng tránh bệnh trầm cảm và các địa chỉ tư vấn, hỗ trợ người bệnh. Các hoạt động này bắt đầu được triển khai từ tháng 8/2022.