Theo báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. Điều đó dẫn đến việc không bố trí đủ việc làm, người lao động phải nghỉ việc hoặc ngừng làm việc, dừng hợp đồng lao động không hưởng lương hoặc thất nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: Giáo dục - đào tạo, may, dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải hành khách và các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng liên quan đến các hoạt động này. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng lớn tới các đối tượng yếu thế khác như: Người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tính đến cuối tháng 3/2020, toàn tỉnh Quảng Trị có 791 lao động nộp hồ sơ đăng ký thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Đơn vị đã giải quyết 497 hồ sơ, 11 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Cuối tháng 3/2020, theo báo cáo sơ bộ của 88 doanh nghiệp, số lao động phải ngừng việc là 1.317 người. Trong số lao động bị ngừng việc, 354 lao động được trả đủ lương, 182 lao động bị giảm lương, 781 lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động không được trả lương.
Đầu tháng 4/2020, 11 đơn vị đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, với số lao động phải tạm dừng làm việc là 387 người. Số lao động này bị giảm lương, chỉ được người sử dụng lao động trả lương ngừng việc theo quy định là không thấp hơn lương tối thiểu vùng.
Mặt khác, đời sống của nhân dân nói chung và các đối tượng yếu thế khác, như: Đối tượng người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo... đều bị ảnh hưởng. Hiện, Quảng Trị có 14.101 hộ nghèo, trong đó: 3.236 hộ nghèo thuộc đối tượng bảo trợ xã hội, 24 hộ nghèo là hộ người có công với cách mạng; 11.280 hộ cận nghèo, 38.826 đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp hàng tháng, 15.371 người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng.
Ngoài ra, trợ cấp đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn, không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 như: Người bán hàng rong, quà vặt; người lái xe thồ, người bán vé số, thợ cắt tóc, lái taxi…
Đối với nhóm 6 đối tượng: Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo; người sử dụng lao; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; người lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và mất việc làm; người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, thỏa thuận nghỉ không lương với người sử dụng lao động từ 14 ngày làm việc trở lên; hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, sẽ thực hiện theo khung chích sách chung của Chính phủ. Việc thực hiện hỗ trợ đảm bảo công khai, minh bạch.
Nhóm nằm ngoài khung chính sách như: Người bán vé số, thợ cắt tóc, người bán hàng rong, quà vặt, người lái xe thồ, xích lô, taxi…, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Trị đề nghị tỉnh hỗ trợ với mức 50 nghìn đồng/ngày/người; hỗ trợ trong 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội (từ 1 – 15/4/2020).