Theo văn bản do bà Dương Thị Hải Yến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Quảng Trị ký ban hành, Sở đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các phòng chuyên môn liên quan và UBND các xã, phường, thị trấn khẩn trương triển khai khảo sát đến tận từng thôn, bản, khu phố (từ người thân ở trên địa bàn tỉnh) để bổ sung vào danh sách những đối tượng yếu thế, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang thực hiện giãn cách xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có nhu cầu về quê.
Trước đó, trên cơ sở rà soát của các địa phương, ngày 26/7, tỉnh Quảng Trị đã tổ chức đoàn công tác vào thành phố Hồ Chí Minh đón người dân gặp khó khăn do COVID-19 về quê. Đến ngày 29/7, 384 người dân Quảng Trị đang sinh sống, làm ăn tại các tỉnh, thành phía Nam đã được đưa về quê bằng tàu hoả.
Các nhóm đối tượng được ưu tiên đón về ở đợt 1, gồm: Người lao động đang mang thai; người lớn tuổi (từ 60 tuổi trở lên); trẻ em (dưới 16 tuổi) và người đi kèm trẻ em (đối với trẻ em dưới 9 tuổi); học sinh sinh viên; người thăm thân và du lịch.
Tại lần khảo sát tiếp theo này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đề nghị các địa phương bổ sung thêm 2 đối tượng, là: người ốm đau (có giấy tờ liên quan của cơ sở y tế) và đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Danh sách đối tượng gửi về Sở trước ngày 5/8/2021.
Được biết, vào ngày 31/7 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Trị và Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh đã tổ chức cuộc họp bàn phương án hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam chống dịch.
Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã thống nhất sẽ sử dụng nhiều kênh, nhiều nguồn khác nhau, tiếp tục vận động hỗ trợ người dân Quảng Trị đang gặp nhiều khó khăn tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam để người dân yên tâm ở lại. Đồng thời đề nghị tăng cường công tác truyền thông để người dân tin tưởng, chấp hành tốt quy định trong phòng chống dịch, đặc biệt là việc hạn chế di chuyển.
Ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường kiểm soát thông tin để tránh khủng hoảng truyền thông. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, yếu thế để có kế hoạch đưa những công dân đó trở về quê hương.