Theo quyết định, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở LĐ-TB&XH tỉnh làm chủ dự án nêu trên.
Dự án có mục tiêu dài hạn là xây dựng mô hình thí điểm cho Việt Nam để phát triển nhân rộng trong cả nước. Thông qua đó, hướng đến xây dựng hoàn thiện hệ thống chăm sóc, giúp đỡ và phát triển đời sống dành cho người khuyết tật.
Về mục tiêu ngắn hạn, dự án sẽ cung cấp dịch vụ phục hồi, phúc lợi cho nạn nhân bom mìn, chất độc da cam và cải thiện quyền của người khuyết tật bằng cách thành lập Trung tâm Phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cấp tỉnh. Tạo cơ hội cho người khuyết tật tại tỉnh Quảng Trị và các khu vực lân cận được dễ dàng tiếp cận với các hoạt động chuyên sâu dành cho người khuyết tật.
Tổng mức đầu tư “Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị” là 12,67 triệu USD, trong đó: Vốn KOICA viện trợ không hoàn lại 12 triệu USD, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 0,67 triệu USD. Dự án được thực hiện trong 4 năm, từ 2022 - 2025.
Chủ dự án được giao các quyền hạn, nhiệm vụ đảm bảo trong việc thực hiện dự án và phải chịu trách nhiệm toàn diện về thất thoát, lãng phí, tham nhũng cũng như sai phạm thuộc thẩm quyền trong công tác quản lý thực hiện dự án gây thiệt hại về kinh tế, xã hội, môi trường, ảnh hưởng đến mục tiêu, hiệu quả chung của dự án.
Trước đó, ngày 13/1/2022, UBND tỉnh Quảng Trị và KOICA đã tổ chức hội nghị trực tuyến ký kết Biên bản thảo luận về dự án “Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị”. Dự án áp dụng mô hình của Viện Phúc lợi xã hội Seoul tại Hàn Quốc.
Dự án đã được HĐND tỉnh Quảng Trị thông qua vào cuối tháng 3/2023. Sau các cuộc làm việc và khảo sát thực tế của cả 2 phía, dự án “Xây dựng Trung tâm Bảo trợ xã hội và Phục hồi chức năng dành cho người khuyết tật tỉnh Quảng Trị” có diện tích đất sử dụng 10.000 m2, được xây dựng tại phường Đông Lương, thành phố Đông Hà.