Việc ông Triệu Đức Nhật (chủ nhà nghỉ tại xã Ea Tý, huyện Ea Kar, Đắk Lắk) đã quay clip cảnh ông NgVB - một cán bộ TAND huyện này mua dâm rồi sau đó tố cáo đang gây xôn xao dư luận. Đặc biệt hơn, ông Nhật cho biết còn nhiều clip mua dâm của nhiều cán bộ khác của huyện tại nhà nghỉ và sẽ tiếp tục làm đơn tố cáo trong thời gian tới. Mọi việc đang được Thường trực Huyện ủy Ea Kar (nơi ông Nhật gửi đơn) làm rõ trắng đen. Sai phạm của ông B. và các cán bộ khác nếu có thì sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Nhưng từ sự kiện này, nhiều vấn đề pháp lý đã nảy sinh thu hút ý kiến của các chuyên gia.
Ai cũng có quyền về hình ảnh
Trước hết, hành vi tự ý lắp đặt camera ghi lại mọi hoạt động trong phòng tại nhà nghỉ của nhiều khách thuê phòng do vợ chồng ông Nhật thực hiện có được luật pháp cho phép?
Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), chưa xét đến yếu tố người bị quay lén là ai nhưng hành vi này là vi phạm về bí mật đời tư của công dân quy định tại BLDS. Bởi quy định về hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn hiện nay chỉ cho phép người chủ lắp đặt hệ thống camera ở khu vực hành lang và nơi sinh hoạt tập thể như cổng ra vào, thang máy, phòng ăn tập trung... Mục đích là để người chủ theo dõi an ninh và bảo vệ khách hàng trong trường hợp cần thiết. Việc lắp đặt máy ghi hình, ghi âm ở những nơi riêng tư như trong phòng ngủ, nhà vệ sinh của khách sạn, nhà nghỉ là vi phạm về bí mật đời tư của công dân được quy định tại Điều 38 BLDS. “Bất luận vì mục đích gì thì việc tự ý lén ghi hình người khác cũng là vi phạm bí mật đời tư” - TS Tiến nói.
ThS-luật sư (LS) Bùi Quốc Tuấn (Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi của vợ chồng ông Nhật còn vi phạm quyền về hình ảnh cá nhân theo Điều 31 BLDS. Nếu như phòng ngủ nào cũng có gắn camera thì chứng tỏ người khách nào thuê phòng cũng bị quay lén cảnh sinh hoạt riêng tư. Như vậy quyền về hình ảnh của cá nhân đã bị vợ chồng chủ nhà trọ xâm phạm một cách nghiêm trọng nếu họ dùng hình ảnh ấy vào những mục đích khác nhau như gửi cho cơ quan chức năng, tung lên mạng... Trong vụ này, ít nhất vợ chồng ông Nhật đã sử dụng hình ảnh đó để tố cáo một cán bộ tòa án mà vị cán bộ này cũng được BLDS bảo vệ với tư cách là một công dân.
“Không đợi đến lúc chủ nhà nghỉ đem clip tố cáo với cơ quan chức năng hay tung lên mạng mới là vi phạm pháp luật. Chỉ riêng hành vi đặt camera quay lén người khác trong phòng nghỉ (dù chỉ là quay để bạn thân xem hoặc cho bạn bè cùng xem) cũng đã là xâm phạm bí mật đời tư của công dân được pháp luật bảo vệ” - LS Nguyễn Hoàng Anh (Đoàn LS TP.HCM) bổ sung thêm.
Có hay không dấu hiệu hình sự?
Vấn đề pháp lý thứ hai là việc ông Nhật dùng clip để tố cáo cán bộ nhà nước (trước mắt là thẩm phán TAND huyện), có dấu hiệu của tội phạm hình sự hay không?
TS Tiến và LS Lê Văn Bình (Đoàn LS TP.HCM) cùng quan điểm là không thể xem xét trách nhiệm hình sự trong trường hợp này. Hai ông nói nếu ông Nhật dùng clip đó gửi cho cá nhân ông B., gia đình hoặc cơ quan quản lý của ông B. với mục đích thông qua đó nhằm tạo áp lực để tống tiền ông B. thì hành vi ấy cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản. Nhưng thực tế vụ này ông Nhật tố cáo chỉ nhằm mục đích đòi lại tiền đã bỏ ra “chạy án” cho vợ thì dấu hiệu hình sự chưa rõ ràng. Có thể hiểu rằng vì tức chuyện cũ nên ông Nhật muốn trả thù bằng cách dùng clip để đòi tiền chứ không phải vì lòng tham mà dùng clip làm phương tiện để kiếm tiền. TS Tiến chốt: “Theo tôi, hành vi trên chỉ vi phạm quy định của BLDS chứ không vi phạm BLHS”.
Đồng tình, LS Hoàng Kim Vinh (Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Bình Phước) phân tích, với tư cách là công dân thì ông Nhật có quyền tố cáo khi thấy cán bộ nhà nước vi phạm tư cách đạo đức. Đặc biệt trong bối cảnh trước đó ông B. đã nhận tiền để hứa hẹn “chạy án” cho vợ, qua đây sẽ làm cơ sở cho cơ quan quản lý cán bộ đó biết sự thật về cán bộ của mình để xử lý. Hành vi quay lén của chủ khách sạn trước đó có thể vi phạm bí mật đời tư nhưng không vi phạm luật hình sự.
Theo LS Bùi Quốc Tuấn, nếu chứng minh được ông Nhật sử dụng trái phép hình ảnh nhằm mục đích làm nhục người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo Điều 121 BLHS.
Như đã phản ánh, trong đơn ông Nhật trình bày, từ năm 2008 đến năm 2011, ông NgVB nhiều lần vào nhà nghỉ do vợ ông làm chủ để mua dâm, một trong những lần đó vợ ông Nhật đã quay lại được một clip dài 35 phút. Năm 2011, vợ ông Nhật bị bắt và bị xử năm năm tù tội chứa mại dâm. Vì vụ án này, ông Nhật đã bán nhà nghỉ và bỏ ra 200 triệu đồng để “chạy án” cho vợ. Ông NgVB nằm trong số người được ông Nhật đưa tiền “chạy án”, tuy nhiên vợ ông vẫn không thể thoát tội và ông nhiều lần đòi lại tiền nhưng không được. Mới đây, trong lúc dọn dẹp nhà cửa, ông Nhật vô tình tìm được băng quay lại clip mua dâm của ông NgVB nên đã làm đơn tố cáo với mục đích đòi lại số tiền “chạy án”. Ông Nguyễn Xuân Cử - Phó Bí thư Huyện ủy Ea Kar cho biết ông NgVB đang là huyện ủy viên nhiệm kỳ 2010-2015, thuộc diện cơ cấu. Hiện Thường trực Huyện ủy đã mời ông NgVB lên làm việc và yêu cầu viết bản tường trình chi tiết, nếu đúng như tố cáo thì sẽ kiên quyết xử lý, không bao che. Ngoài đơn tố cáo ông NgVB, ông Nhật cũng cho biết vợ ông đã quay lại clip mua dâm của nhiều cán bộ khác của huyện tại nhà nghỉ và sẽ tiếp tục làm đơn tố cáo trong thời gian tới... “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh cá nhân phải được người đó đồng ý; trong trường hợp người đó đã chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp vì lợi ích công cộng hoặc pháp luật có quy định khác. Nghiêm cấm việc sử dụng hình ảnh của người khác mà xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh” - Điều 31 BLDS quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh. “Việc thu thập, công bố thông tin, tư liệu về đời tư của cá nhân phải được người đó đồng ý; trường hợp người đó chết, mất năng lực hành vi dân sự, chưa đủ 15 tuổi thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con đã thành niên hoặc người đại diện của người đó đồng ý, trừ trường hợp thu thập, công bố thông tin, tư liệu theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền” -Điều 38 BLDS quy định về quyền bí mật đời tư. |