Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quốc hội bỏ đề xuất không lấy phiếu tín nhiệm với lãnh đạo nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo

(Dân sinh) - Nghị quyết được Quốc hội thông qua không quy định trường hợp “không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên".

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) với 470 đại biểu tán thành (95,14% tổng số đại biểu), chiều ngày 23/6.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 và sẽ được áp dụng cho việc lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ với các chức danh Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn vào cuối năm nay.

Không lấy phiếu tín nhiệm với cán bộ cấp xã

Theo nghị quyết được thông qua, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ chức vụ sau: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng là những người Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm.

HĐND cấp tỉnh, cấp huyện lấy phiếu tín nhiệm với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng Ban của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện; Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND, các Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện.

Trường hợp 1 người đồng thời giữ nhiều chức vụ thì việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện 1 lần với tất cả các chức vụ đó.

Việc lấy phiếu tín nhiệm không được thực hiện tại HĐND cấp xã. Trước đó, có ý kiến đại biểu đề nghị không quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ cấp xã để bảo đảm thống nhất với phạm vi đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm theo Quy định số 96-QĐ/TW.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến này và chỉnh lý dự thảo trình Quốc hội thông qua theo hướng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được thực hiện tại HĐND cấp tỉnh, cấp huyện.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm.

Không lấy phiếu tín nhiệm với người có thông báo chờ nghỉ hưu

Quốc hội, HDND cấp tỉnh, cấp huyện không lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ đã có thông báo nghỉ công tác chờ nghỉ hưu hoặc được bổ nhiệm, bầu cử trong năm lấy phiếu tín nhiệm.

So với dự thảo trình trước đó, nghị quyết được Quốc hội thông qua không quy định trường hợp "không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo có xác nhận của cơ sở y tế và không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên theo quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền, tính đến thời điểm khai mạc kỳ họp lấy phiếu tín nhiệm".

Trước khi Quốc hội biểu quyết, tại báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, lấy phiếu tín nhiệm là 1 kênh giám sát quan trọng của Quốc hội và HĐND.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Quy định số 96-QĐ/TW đã xác định cụ thể các trường hợp không thực hiện lấy phiếu tín nhiệm.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định về các trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm. Điều này được Quốc hội biểu quyết thông qua.

Quốc hội, HĐND cấp tỉnh, cấp huyện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ. Phiếu tín nhiệm có 3 mức: “Tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp”.

Cán bộ “tín nhiệm thấp” có thể xin từ chức

Về hệ quả với người được lấy phiếu tín nhiệm, nghị quyết được Quốc hội thông qua nêu rõ, người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trường hợp không xin từ chức thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực HĐND trình HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì việc bỏ phiếu tín nhiệm được thực hiện một lần đối với các chức vụ đó.

Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp” trở lên thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, HĐND tiến hành miễn nhiệm tại kỳ họp đó hoặc kỳ họp gần nhất; trường hợp một người đã được lấy phiếu tín nhiệm cùng một lần với nhiều chức vụ thì thực hiện việc miễn nhiệm đối với tất cả các chức vụ đó.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong trường hợp: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tự mình đề nghị; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của Quốc hội; có kiến nghị của ít nhất là 20% tổng số đại biểu Quốc hội; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”.

Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu trong các trường hợp: Có kiến nghị của ít nhất là 1/3 tổng số đại biểu HĐND; có kiến nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp; người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số phiếu đánh giá “tín nhiệm thấp”. 

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm phải được công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và nhân dân biết chậm nhất là 3 ngày kể từ ngày nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, nghị quyết xác nhận kết quả bỏ phiếu tín nhiệm được thông qua.