Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về tình hình trẻ em bị xâm hại tình dục. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Những con số dù chưa đầy đủ vẫn gây nhức nhối
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội chỉ rõ: Tính đến ngày 30/6/2019, cả nước có 24.776.733 trẻ em, chiếm 25,75% tổng dân số cả nước. Tình hình trẻ em bị xâm hại rất nghiêm trọng. Cụ thể, từ ngày 1/1/2015 đến 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý hình sự và hành chính hơn 8.400 vụ xâm hại trẻ em, với 8.700 trẻ bị xâm hại (chiếm 0,035% tổng số trẻ em toàn quốc). Trong đó có khoảng 7.000 trẻ em nữ và khoảng 1.700 trẻ em nam. Trong đó, hơn 6.400 trẻ bị xâm hại tình dục, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại (cá biệt có nhiều địa phương, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm trên 90% tổng số vụ trẻ em bị xâm hại); bạo lực 857 trẻ, 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; có hơn 1.300 trẻ bị xâm hại bởi các hành vi như hành hạ trẻ em, sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm trẻ em, đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi, truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy đối với trẻ em.
10 địa phương có số trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là: TP.HCM 782 trẻ, Hà Nội 655 trẻ, Vĩnh Long 647 trẻ, Đồng Tháp 520 trẻ, Tây Ninh 353 trẻ, Bà Rịa - Vũng Tàu 321 trẻ, Đồng Nai 312 trẻ, Đắk Lắk 268 trẻ, Kiên Giang 265 trẻ và Sóc Trăng 254 trẻ.
Con số được phát hiện là ghê gớm như vậy nhưng theo các chuyên gia, đây mới là “phần nổi của tảng băng” trong “bức tranh” trẻ em bị xâm hại. Theo Đoàn giám sát, còn nhiều trường hợp trẻ em bị xâm hại nhưng chưa được phát hiện để xử lý.
Ngoài ra, từ 2015 đến tháng 6/2019, có 337 trẻ bị tử vong do bị xâm hại, 418 trẻ có thai do bị xâm hại tình dục, 193 trẻ bị rối loạn tâm thần, 375 trẻ bị thương tật, 180 trẻ phải bỏ học. Các trẻ em khác là nạn nhân bị xâm hại đều bị tổn hại về thể chất và tinh thần với các mức độ khác nhau.
Ai và tại sao người ta xâm hại trẻ em?
Điều đáng buồn và đáng lo là phần lớn thủ phạm của các vụ xâm hại lại là những người thân thiết, gần gũi với nạn nhân. Đối tượng rất đa dạng về nghề nghiệp như giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức, hưu trí, người cao tuổi... Đối tượng xâm hại trẻ em chủ yếu là nam giới, chiếm trên 95%. Đáng nói là ở nhiều địa phương có vụ việc bố đẻ xâm hại con ruột, bố dượng xâm hại con riêng của vợ, ông nội xâm hại cháu gái...
Mặt trái của nền kinh tế thị trường, của hội nhập đang gây ảnh hưởng xấu đến lối sống của con người. Trên mạng xã hội tràn lan văn hóa phẩm đồi trụy, phim ảnh đầy bạo lực, lối sống xa hoa... Nhiều người bị ảnh hưởng và người ta tìm cách hưởng thụ. Người ta xâm hại tình dục trẻ em, vì dục vọng thấp hèn, vì nghĩ rằng không bị phát giác, không bị trừng phạt (trên thực tế, những vụ bị phát giác ít hơn nhiều so với những vụ không bị phát giác). Theo luật pháp, tội xâm hại tình dục trẻ em bị phạt rất nặng, tới mức tử hình, nhưng trên thực tế ở Việt Nam, chưa có bị cáo nào bị phạt tử hình vì tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tội ác này chưa bị ngăn chặn hiệu quả.
Cũng phải thẳng thắn công nhận điều này: Đại đa số người Việt Nam chúng ta chưa nhận thức sâu sắc về hậu quả nặng nề của việc xâm hại tình dục trẻ em, mặc dù đã có những trường hợp xâm hại tình dục dẫn đến trẻ mang thai, đẻ con ngoài ý muốn; có trường hợp tự tử; giết người bịt đầu mối mang tính chất dã man, mất nhân tính... Đó là chưa nói tới sự nghiêm trọng lâu dài về thể chất, tinh thần đối với trẻ em và gia đình của các em.
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương đề xuất thiến hoá học tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Ảnh: Hải Quân.
Phải áp dụng các biện pháp mạnh để bảo vệ trẻ em
Phát biểu trong các phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra rất bức xúc và đã đề nghị nhiều biện pháp mạnh mẽ, cụ thể. Đó là đề nghị áp dụng hình thức “thiến hóa học” đối với những người xâm hại tình dục trẻ em; người đứng đầu cơ quan, địa phương để xẩy ra tình trạng xâm hại phải chịu trách nhiệm...
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 23/CT-TTg về việc tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em. Chỉ thị nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, kể cả cha mẹ, người chăm sóc trẻ em khi có hành vi vi phạm pháp luật về trẻ em, nhất là các hành vi xâm hại trẻ em, bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài các vụ việc vi phạm quyền trẻ em.
Theo Chỉ thị 23/CT-TTg, Bộ Công an được yêu cầu thường xuyên triển khai các biện pháp phòng chống hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán trẻ em, đặc biệt là mua bán trẻ sơ sinh; đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý các đối tượng có hành vi xâm hại trẻ em.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được yêu cầu triển khai chính sách, giải pháp giảm thiểu tình trạng trẻ em bỏ học, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hướng dẫn việc thực hiện phương pháp giáo dục tích cực, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, giáo viên.
Bộ LĐTBXH được yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về trợ giúp xã hội đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trực tiếp đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai chính sách pháp luật về trẻ em; tổ chức các hình thức phù hợp để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của trẻ em.
Ủy ban nhân dân các cấp được yêu cầu bố trí ngân sách bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em; Chỉ đạo, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em; Kiểm tra, rà soát các phương tiện giao thông đưa đón học sinh, khu dân cư; Cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em; Khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em, cơ sở giáo dục, các thiết chế văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý.
Chúng ta hi vọng sau kỳ họp Quốc hội này, sẽ có sự chuyển biến tích cực trong việc bảo vệ trẻ em.
Hồ Bất Khuất/TC GĐ&TE