Quay lại Dân trí
Dân sinh
  1. Diễn đàn Dân sinh

Quốc hội giám sát việc thực hiện pháp luật về ATTP tại Gia Lai

Ngày 17/2, Đoàn giám sát Quốc hội do ông Phan Xuân Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm trưởng đoàn (đoàn chia làm hai tổ) đã giám sát thực tế tại 8 cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

 

Đoàn giám sát Quốc hội cũng đã làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về thực hiện chính sách, pháp luật về An toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016. Cùng đi với đoàn còn có ông Phùng Đức Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội và lãnh đạo các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, cùng các sở, ban, nghành của tỉnh Gia Lai.

Đoàn giám sát Quốc hội làm việc với UBND tỉnh Gia Lai về thực hiện chính sách, pháp luật về ATTP 

 Trước khi làm việc với UBND tỉnh Gia Lai, ngay trong đêm 16/2 và sáng 17/2, Đoàn giám sát Quốc hội đã chia làm hai tổ giám sát thực tế tại 8 cơ sở kinh doanh, chế biến, sản xuất thực phẩm tại các huyện Chư Sê, Ia Grai và TP. Pleiku. Đoàn Quốc hội và lãnh đạo các bộ và lãnh đạo các sở, ban, ngành đã trực tiếp đến tại các lò mổ để kiểm tra về tình hình ATTP và những quy định đảm bảo vệ sinh môi trường.

Vào chiều 17/2, Đoàn đã việc với UBND tỉnh Gia Lai, làm việc với đoàn giám sát có các ông, bà: Dương Văn Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Võ Ngọc Thành, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kpăh Thuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai.

Theo báo cáo của tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2016, tỉnh Gia Lai ghi nhận 30 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 1.000 người mắc, 5 người tử vong do ăn thịt cá nóc, nấm rừng, uống rượu ngâm rễ, củ rừng và ăn thịt gia súc bị bệnh. Cũng trong giai đoạn này, tỉnh đã tổ chức hơn 2.000 cuộc thanh, kiểm tra và đã phát hiện 1.400 lượt cơ sở vi phạm, tổng số tiền phạt là khoảng 3,5 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, toàn tỉnh không xảy các vụ ngộ độc thực phẩm. Nguyên nhân các ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn tỉnh là do người dân còn chủ quan, nhận thức chưa đầy đủ mối nguy hại do các loại thực phẩm có chứa chất độc như ăn thịt cóc, gia súc-gia cầm bị bệnh, uống rượu ngâm các rễ, củ rừng, nấm. Bên cạnh đó, một vài cơ sở kinh doanh lợi dụng điều kiện kinh tế khó khăn và thiếu hiểu biết của người dân đã bán các thực phẩm giá rẻ, không đảm bảo ATTP.

Đoàn giám sát Quốc hội đã có mặt tại Cơ sở giết mổ gia súc-gia cầm Chư Sê, Ia Grai để khảo sát thực tế

Tại buổi làm việc, thành viên Đoàn giám sát Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của chính quyền các cấp tỉnh Gia Lai và các cơ sở kinh doanh, sản xuất, chế biến thực phẩm trong việc triển khai, thực hiện tốt việc đảm bảo ATTP, đảm bảo môi trường góp phần nâng cao sức khỏe người dân. Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng bày tỏ những quan ngại về nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Gia Lai, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Tỉnh vẫn chưa kiểm soát được tồn dư hóa chất nguyên liệu thực phẩm. Đồng thời đề nghị tỉnh cần sớm xây dựng, qui hoạch lại Trung tâm thương mại TP. Pleiku và các chợ huyện, thị xã nhằm kiểm soát tốt nguồn cung ứng hàng hóa cho nhân dân trong tỉnh, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân.

Đoàn giám sát Quốc hội khảo sát thực tế tại Công ty Hương đất An Phú chuyên sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP

Thay mặt Đoàn công tác, ông Phan Xuân Dũng đề nghị tỉnh Gia Lai đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, để nâng cao ý thức các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch; tăng cường thanh, kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất và chế biến thực phẩm; khuyến khích và có chính sách hỗ trợ liên minh trong nuôi trồng, chăn nuôi và sản xuất thực phẩm an toàn; tiếp tục xây dựng và triển khai các mô hình điểm, mô hình tiên tiến, áp dụng công nghệ cao về an toàn thực phẩm. Ông Phan Xuân Dũng nói: “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất là một chủ trương lớn và cần phải làm. Làm như vậy thì đảm bảo được các sản phẩm sạch, tăng năng suất và đảm bảo khoa học công nghệ để phục vụ phát triển sản xuất. Muốn làm được như vậy, bản thân người dân họ cố gắng rồi thì các cơ chế chính sách của nhà nước phải đáp ứng. Tôi thấy người dân Gia Lai rất sáng tạo, tự sáng tạo nhiều sáng kiến rất hay áp dụng trong sản xuất, chết biến thực phẩm, đề nghị tỉnh chỉ đạo để những mô hình tốt, từ chăn nuôi, giết mổ gia súc tiếp tục nhân rộng để địa bàn tỉnh đáp ứng tất cả các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phục vụ người dân”.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành trân trọng tiếp thu những ý kiến của Đoàn giám sát Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật an toàn thực phẩm tại tỉnh Gia Lai giai đoạn từ năm 2011-2016. Tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo sức khỏe cho người dân.