Sáng 18/7, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Trước đó, theo đánh giá của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, cuộc bầu cử bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Hội đồng bầu cử quốc gia cho biết, tổng số cử tri đã tham gia bỏ phiếu là 67.049.091 cử tri, đạt 99,35% trên tổng số 67.485.482 cử tri. Tổng số đại biểu Quốc hội trúng cử trong ngày 22/5/2016 và bầu cử thêm ngày 29/5/2016 ở Cần Thơ là 496 người.
Tổng số đại biểu HĐND cấp tỉnh trúng cử là 3.908 người; cấp huyện là 25.181 người và cấp xã là 292.306 người.
Căn cứ vào kết quả tổng kết bầu cử và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp đã tiến hành xong việc xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã thận trọng trong xem xét, xác nhận tư cách đại biểu, có biểu quyết bằng phiếu. Kết quả có 494 đại biểu đủ tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV. "Đáng chú ý là kết quả bầu cử chưa bầu đủ 500 đại biểu như Ủy ban Thường vụ QH dự kiến, vẫn còn trường hợp sau khi trúng cử không đủ tư cách ĐBQH do các vi phạm liên quan nên Hội đồng Bầu cử Quốc gia không xác nhận tư cách đại biểu. Cụ thể, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã không công nhận tư cách ĐBQH của hai người trúng cử là ông Trịnh Xuân Thanh (tại phiên họp thứ bảy ngày 15/7) và bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường (tại phiên họp thứ tám ngày 17/7)"- Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết.
Như vậy số ĐBQH khóa XIV chính thức chỉ còn 494 người. Theo bà Phóng, để xảy ra điều này chứng tỏ các cơ quan chưa làm tốt công tác hiệp thương giới thiệu ứng viên để đảm bảo kết quả bầu cử như dự kiến.
Cả nước có 3.907 đại biểu HĐND cấp tỉnh; 25.180 đại biểu HĐND cấp huyện; 292.305 đại biểu HĐND cấp xã được công nhận đủ tư cách đại biểu HĐND.