Bầu cử QH khóa XIV vào ngày 22/5/2016
Ngày 25/11, với 395/465 tổng số đại biểu có mặt tại hội trường tán thành, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký Kỳ họp, Chủ nhiệm Văn phòng QH trở thành Tổng thư ký Quốc hội khóa XIII.Cùng ngày, Quốc hội phê chuẩn danh sách 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia. Theo đó, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã được Quốc hội thành lập với 21 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Quốc hội khóa XIII. 4 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm: Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân.
Các Ủy viên Hội đồng gồm: Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội; ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; ông Ngô Văn Dụ, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; ông Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an...
Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau bấm nút biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi).
Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết về Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Nghị quyết bầu Tổng thư ký Quốc hội. Theo đó, bầu cử vào ngày Chủ nhật, 22/5/2016. Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử trước 115 ngày đúng theo luật định.
Không để dân tự xử
Với 438 phiếu tán thành, chiếm 88,66% tổng số đại biểu Quốc hội, ngày 25/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi).
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp (các Điều 4, 43, 44 và 45), đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự. Theo đó, Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị xác định rõ nguyên tắc, thủ tục bảo đảm chặt chẽ, nên quy định giao cho TAND cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết, hoặc giao cho Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn giải quyết vụ việc dân sự này. Có ý kiến đề nghị cân nhắc thận trọng, trên cơ sở tổng kết thực tiễn mới quyết định có đưa vào Bộ luật này hay không để bảo đảm tính khả thi, tránh sự lạm dụng tùy tiện của người khởi kiện.
Về nội dung trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giải trình tại Báo cáo số 965/BC-UBTVQH13 ngày 23/10/2015. Việc xác định Tòa án cấp nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản 2, Điều 4 của dự thảo Bộ luật cần căn cứ vào quy định của Luật Tổ chức TAND năm 2014, và của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, để bảo đảm cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, tránh lạm dụng trong thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo chỉnh lý lại quy định tại khoản 2, Điều 4 và bổ sung quy định về áp dụng tập quán tại Điều 45 của dự thảo luật. Cụ thể: Điều 4, Khoản 2: “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
“Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự, nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật này quy định”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết.